Những chuyến đi Trường Sa: Thắt chặt tình đoàn kết quân-dân
Đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2022. (Ảnh: Duy Quang) |
Thưa Đại sứ, năm nay chuyến thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức có điểm gì đặc biệt so với mọi năm?
Đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài, kể từ năm 2012 đến năm 2019, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức tám đoàn với sự tham gia của gần 600 lượt kiều bào đi thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cả nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều kiều bào không thể về thăm gia đình, quê hương; Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng không thể tổ chức các chuyến thăm như trước.
Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhằm đáp ứng tình cảm của bà con mong muốn về thăm Trường Sa, Ủy ban đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lại các chuyến đi.
Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo Tổ quốc; thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, chăm lo cho cộng đồng theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới.
Năm nay, Bộ Tư lệnh Hải quân và Ủy ban rất vui mừng có điều kiện tiếp tục tổ chức cho đoàn kiều bào về nước thăm biển đảo Tổ quốc. Tình yêu quê hương, đất nước của bà con là động lực quan trọng để chúng tôi thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức, với mong muốn bà con có chuyến đi an toàn, đảm bảo đầy đủ các hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm dành cho bà con kiều bào, công tác tổ chức và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh Hải quân trong chuyến đi năm nay.
Trong khuôn khổ chương trình, bà con sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm”, trực tiếp giao lưu, thăm hỏi cuộc sống và công tác của các cán bộ, quân và dân tại huyện đảo; tặng quà cho nhân dân và chiến sĩ; giao lưu văn nghệ phục vụ chiến sĩ hải quân; tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Để chuyến đi an toàn trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn có đầy đủ các hoạt động ý nghĩa, Ủy ban đã phối hợp với Quân chủng Hải quân trong khâu chuẩn bị như thế nào?
Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi xác định hai ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 và ý nghĩa của chương trình.
Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và một số cơ quan hữu quan trong nước trong quá trình thông tin rộng rãi tới cộng đồng về việc tổ chức đoàn, giới thiệu thông tin đại biểu kiều bào tham gia đoàn, chuẩn bị nội dung chương trình, một số lưu ý về hậu cần, kỹ thuật để đại biểu kiều bào có một chuyến đi an toàn, ý nghĩa.
Về yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, tất cả đại biểu tham dự chương trình phải đảm bảo tiêm đủ hai mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN phát biểu tại đảo Trường Sa. (Ảnh: Duy Quang) |
Ông cho biết ý nghĩa của chuyến đi này trong công tác củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc?
Những năm qua, việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Đây cũng là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết bà con kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tin và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm nay càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh triển khai mạnh mẽ Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đây cũng là hoạt động góp phần thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông có thể thông tin thêm về những đóng góp vật chất và tinh thần của bà con kiều bào sau những chuyến đi thăm Trường Sa được tổ chức từ năm 2012 đến nay? Ông đánh giá thế nào về tình cảm của kiều bào khắp nơi trên thế giới đối với Trường Sa nói riêng và Việt Nam nói chung?
Chúng tôi vui mừng nhận thấy sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta lại có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo Tổ quốc.
Bà con đã thành lập các câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Czech... Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa... Từ năm 2012-2019, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng, trong đó có một xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ đồng, hơn 3 tỷ đồng vào “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và nhiều hiện vật có giá trị.
Có thể khẳng định, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, và luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với quê hương, đất nước. Đây là giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cộng đồng NVNONN luôn đồng hành, chia sẻ với nhân dân trong nước trong gian khó, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà con từ khắp nơi trên thế giới luôn trân trọng và có ý thức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Điều này có thể khẳng định bởi sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con mỗi lần đăng ký tham gia chuyến đi. Những đóng góp từ khắp nơi trên thế giới ủng hộ chiến sĩ, nhân dân tại huyện đảo Trường Sa, hay những hành động thiết thực của từng cá nhân, hội đoàn NVNONN góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Theo Đại sứ, điều thành công nhất sau chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của bà con kiều bào là gì?
Tổ chức chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm nay, chúng tôi hy vọng có thể phần nào đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của những kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt đối với biển đảo của Tổ quốc.
Tôi tin rằng chuyến đi sẽ góp phần thắt chặt tình cảm của đồng bào ta ở nước ngoài với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quân-dân, củng cố và nâng cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm nay do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Chuyến đi có sự tham dự của hơn 40 người đến từ 17 quốc gia trên thế giới, cùng nhiều phóng viên báo chí trong nước và phóng viên kiều bào. Năm 2022 kỷ niệm 10 năm đoàn kiều bào đầu tiên về thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến thăm đã trở thành hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đây cũng là dịp để kiều bào từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc. |