Những bài học sau 15 hội thảo quốc tế về Biển Đông
Sau 15 cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, có thể thấy rằng:
Đã quốc tế hóa
Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hoá. Bởi lẽ thế giới đang thay đổi cùng với những biến động to lớn về địa - chính trị, địa – kinh tế; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà nhân loại đang đối mặt vô cùng to lớn, ranh giới giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng rất mong manh bởi sự bùng nổ tác động lẫn nhau đều dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực khó lường hết hậu quả đối với mọi quốc gia – dân tộc. Không một quốc gia - dân tộc nào dù giàu mạnh đến đâu có thể một mình giải quyết được những thách thức nói trên. Lựa chọn giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở đa phương, tập thể là đòi hỏi tự nhiên trong tình hình thế giới hiện nay.
Không phải là ngoại lệ, vấn đề Biển Đông cùng với những hệ luỵ liên quan đã trở thành mối quan tâm rộng rãi gắn liền với hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục được xử lý trên cơ sở đối thoại, thương lượng đa phương và cả song phương khi vấn đề chỉ liên quan đến hai bên.
Đại sứ Nguyễn Đức Hùng phát biểu tại Hội thảo quốc tế lần thứ 15 về Biển Đông. (Ảnh: NVCC) |
Sự quan tâm và can dự của cộng đồng quốc tế trong đó bao gồm hầu hết các nước trong khu vực và các nước lớn đối với việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông tạo ra những tác động nhiều mặt. Một mặt, sự quan tâm và can dự của các nước lớn đã góp phần nâng cao giá trị địa - chiến lược của Biển Đông trong những tính toán chiến lược dài hạn của các cường quốc; các nước trong khu vực có thể tranh thủ cơ hội thúc đẩy hợp tác phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển của mình. Mặt khác, nếu khu vực không có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo Biển Đông dễ trở thành điểm nóng bùng nổ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gay gắt và quyết liệt giữa các nước lớn. Vì vậy, để tăng cường vai trò trung tâm trong việc xử lý những vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, ASEAN cần phải:
Tiếp tục tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế, sự can dự và hợp tác của các nước lớn trong và ngoài khu vực theo hướng như gợi ý của bà Eva Pejsova, Tiến sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh và ngoại giao, Đại học Brussels (Bỉ) - tăng cường tiếp xúc ngoại giao; đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực quốc gia; tuân thủ luật pháp trong khuôn khổ hệ thống luật pháp quốc tế.
Xây dựng một ASEAN mạnh về nội lực, đoàn kết thống nhất trong đa dạng và linh hoạt trong cách tiếp cận đa phương, kể cả hình thức tiểu đa phương tạo thuận lợi vượt qua những trở ngại. GS Kuik Cheng-Chwee, Đại học quốc gia Malaysia nhấn mạnh 3 nguyên tắc then chốt để đảm bảo an ninh của Đông Nam Á và vai trò trung tâm của ASEAN là: trung lập tích cực, đa dạng hoá toàn diện các mối quan hệ và sẵn sàng kế sách dự phòng khôn ngoan.
Một ASEAN tinh tế, hiệu quả
Cho đến nay, cách tiếp cận tinh tế và khôn khéo của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung được coi là phù hợp nếu không nói là hình mẫu cho các nước nhỏ và đang phát triển. Cách tiếp cận đó dựa trên cơ sở: Tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, chú trọng các mối quan tâm an ninh và phát triển của các bên, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại tìm điểm đồng thuận về hợp tác khu vực;
Hợp tác cùng phát triển và bảo đảm an ninh bền vững; củng cố sự đồng thuận chiến lược về thúc đẩy hợp tác khu vực cùng nhau giải quyết hài hoà các vấn đề về an ninh truyền thống trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời phối hợp cùng xử lý những thách thức về an ninh phi truyền thống như tội phạm mạng, ô nhiễm nguồn nước, khủng bố, biến đổi khí hậu...;
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hoà bình và an ninh là không thể chia cắt. Các nước phối hợp đối phó với thách thức, chia sẻ cơ hội và cùng nhau tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định và thịnh vượng, vì lợi ích chung của khu vực và mỗi quốc gia – dân tộc.
Vai trò quan trọng của Việt Nam
Với chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông đã và đang tạo diễn đàn gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở cho đông đảo các chuyên gia khu vực và quốc tế nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt, vai trò của Việt Nam trở nên rất quan trọng trong vấn đề này với khu vực.
Các học giả thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Nội dung thảo luận tại các cuộc Hội thảo ngày càng đa dạng và sát với cuộc sống từ chính trị - ngoại giao, diễn giải luật pháp quốc tế đến các hoạt động trên thực địa, nhất là các hoạt động “vùng xám” của một số bên liên quan trong việc thực hiện yêu sách biển của mình, vai trò của các diễn đàn đa phương trong quản lý tranh chấp, các yếu tố mới tác động đến tranh chấp tại Biển Đông. Cụ thể là vai trò của công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên biển… và như trong phát biểu khai mạc Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận xét: “Hiện nay xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, trên không gian biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột”.
So với 15 năm trước, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều "vùng xám" mới nảy sinh cần phải được làm sáng tỏ, nhưng Biển Đông vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng”. Và “chỉ thông qua hợp tác mới có thể giúp Biển Đông chuyển từ sắc “xám” sang “xanh”, hướng tới hoà bình và phát triển bền vững. Để làm được điều đó, quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế, thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”.
Phát huy vai trò dẫn dắt của Việt Nam, tiếp tục tranh thủ được sự ủng hộ nhiệt tình, sự hưởng ứng tích cực và rộng rãi của các bên liên quan nhất là từ các cường quốc, các nước ASEAN, có cơ sở để tin rằng “thương hiệu” Hội thảo quốc tế về Biển Đông kênh 1.5 của Việt Nam sẽ sớm trở thành một diễn đàn năng động và sáng tạo về biển có uy tín, có ý nghĩa thiết thực và không thể thiếu ở cấp độ khu vực, là địa chỉ được yêu mến và là điểm dàn xếp hài hoà các lợi ích an ninh và phát triển của các quốc gia – dân tộc trải rộng từ châu Á - Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và hy vọng có thể rộng hơn nữa trong tương lai.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông khởi nguồn từ ý tưởng của ông Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao từ những năm 2009 – 2010. Học viện Ngoại giao cùng các đơn vị trực thuộc như Viện Biển Đông, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông được giao nhiệm vụ xây dựng đề án và triển khai thực hiện. Từ đó đến nay, tình hình Biển Đông khi căng thẳng đối đầu, khi lắng dịu trên bề mặt song diễn biến luôn phức tạp, vừa tiềm ẩn nguy cơ vừa tiềm tàng cơ hội. Trong bối cảnh đó, 15 cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông vẫn được tổ chức hàng năm ở nhiều địa phương trên lãnh thổ Việt Nam như Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… kể cả dưới hình thức trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid-19. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rộng rãi và tham gia ngày càng đông đảo của giới chính khách, học giả, các chuyên gia hàng đẩu về biển đảo, các trung tâm nghiên cứu biển từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp, Nga, EU, Ấn Độ và các nước ASEAN. |