Gốc bền, rễ chắc cho các hành động của ASEAN trong thế giới nhiều biến động |
Chiều 5/8, tiếp tục chuyến thăm chính thức Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách đối ngoại. |
Về hợp tác Việt Nam và Indonesia, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, hai nước càng hợp tác chặt chẽ thì càng có đóng góp cho ASEAN tiến xa; và nhấn mạnh: Trong một thế giới đầy biến động, có một điều bất biến với Việt Nam là tinh thần “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” trong đường lối chính sách đối ngoại. Dự diễn đàn có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Chủ tịch Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) Dino Patti Djalal… |
Kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ |
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tới thăm và trao đổi với Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia - Trung tâm nghiên cứu chính sách hàng đầu của Indonesia và khu vực. Hai nước có sự gần gũi văn hóa sâu sắc từ thế kỷ thứ 7, nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Indonesia là người bạn tình nghĩa, là người láng giềng tốt luôn đồng hành cùng Việt Nam. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 1955. “Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 nhà lãnh đạo đáng kính của các bạn, Sukarno và Hatta, cùng chia sẻ tầm nhìn về thế giới hòa bình và phát triển", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Theo Chủ tịch Quốc hội, những chuyển biến sâu sắc trong hơn hai thập kỷ qua khẳng định, trong thế kỷ 21, an ninh và phát triển thịnh vượng của châu Á-Thái bình dương và Ấn Độ Dương ngày càng có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với an ninh và phát triển thịnh vượng của các quốc gia và toàn cầu.
|
Trải qua gần 6 thập niên hình thành và phát triển, ASEAN chưa bao giờ ở vị thế tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển Cộng đồng. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lấy 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo của ASEAN. Đó là: thống nhất trong giữ vững nguyên tắc thể hiện ở việc giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Theo đó, một “ASEAN tầm vóc” phải kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào. |
Chủ tịch Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: CHIẾN THẮNG) |
Điểm tiếp theo, như Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề cập, đó là thống nhất trong duy trì đồng thuận thể hiện ở việc ASEAN duy trì đồng thuận trong các vấn đề an ninh, phát triển quan trọng của khu vực, cùng nhau bảo vệ lập trường, quan điểm chung của ASEAN theo “phương cách ASEAN”, Hiến chương ASEAN. Trước những diễn biến phức tạp, gây nguy cơ căng thẳng gần đây ở Biển Đông, chúng ta cần đoàn kết kiên trì thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). ASEAN cần thống nhất kiên định mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ “Đồng thuận 5 điểm”. “Việt Nam ủng hộ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tích cực, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên”, Chủ tịch Quốc hội nói. Nội dung thứ ba được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là thống nhất trong xây dựng cộng đồng còn thể hiện ở việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng cộng đồng. “Chúng ta cần thúc đẩy kết nối về thể chế, hạ tầng và con người để khơi dậy tiềm năng phát triển, hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Về hợp tác Việt Nam và Indonesia, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, hai nước càng hợp tác chặt chẽ thì càng có đóng góp cho ASEAN tiến xa. Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Indonesia năm 2017: “Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”. |
Tinh thần “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong một thế giới đầy biến động, có một điều bất biến với Việt Nam là tinh thần “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” trong đường lối chính sách đối ngoại. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Việt Nam nêu cao chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp, củng cố các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. “Đó là những nguyên tắc nền tảng, cốt lõi tạo nên thành công của Việt Nam trên chặng đường 37 năm Đổi mới và Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện”, Chủ tịch Quốc hội dịp này thông báo những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua, cũng như những mục tiêu mà Việt Nam đặt ra, giải pháp để Việt Nam đạt được những mục tiêu ấy. |
Chủ tịch Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại diễn đàn. (Ảnh: CHIẾN THẮNG)
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam xác định ngoại giao nghị viện đóng vai trò hết sức quan trọng, phát huy sức mạnh mềm để góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác. Trong khuôn khổ các tổ chức đa phương liên nghị viện như Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), APPF, IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Việt Nam luôn tham gia tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến về bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng và nguồn nước... Đặc biệt, trong ASEAN, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng, đồng hành và có nhiều dấu ấn, đóng góp nổi bật vào các cơ chế hợp tác, điển hình là AIPA.
Tháng 9 năm 2023, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nghị viện các nước thành viên AIPA và các đối tác tích cực đồng tình, ủng hộ và tham gia sự kiện hết sức quan trọng này. Nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để cùng nhau vượt lên giành thêm nhiều thành tựu mới, Chủ tịch Quốc hội đưa ra một số hướng cụ thể về hợp tác chính trị, quốc phòng-an ninh, đa phương; tăng cường gắn kết kinh tế; giao lưu nhân dân; hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; tăng cường hợp tác ngoại giao nghị viện để cùng nhau hướng tới nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Nhắc lại quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Chủ tịch Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) Dino Patti Djalal cho rằng Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Tiềm năng hợp tác của hai nước là rất lớn, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như dòng chuyển động nhanh của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong một không gian Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết. “Chúng ta chưa thể hình dung thế giới vào năm 2045, thời khắc hai nước cùng kỷ niệm 100 năm lập quốc. Nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng, Indonesia và Việt Nam có đầy đủ ý chí, khát vọng và quyết tâm hợp tác để cùng nhau hiện thực hóa khát vọng trở thành những quốc gia phát triển giàu mạnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
|
Theo Báo Nhân dân https://nhandan.vn/goc-ben-re-chac-cho-cac-hanh-dong-cua-asean-trong-the-gioi-nhieu-bien-dong-post765908.html |