Nhìn lại những ưu, khuyết điểm của báo chí toàn quốc năm 2019
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh VGP |
Đến dự có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ cùng hơn 600 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí...
Hội nghị nhằm đánh giá đúng ưu điểm, thành tích của báo chí trong năm 2019; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020 và các năm tiếp theo.
Báo cáo tại hội nghị chỉ rõ năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí.
Trong năm 2019, các cơ quan báo chí đã phản ánh trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề nóng, việc ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam; tuyên truyền về hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thiêng liêng của Tổ quốc…
Năm 2019 cũng là năm có sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Các cơ quan báo chí cũng thực hiện sản xuất tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của nhiều cơ quan báo chí. Đó là việc còn tồn tại thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
Cùng đó, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội; tình trạng giật tít câu “view”, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra nhiều.
Trong năm 2019, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quyết tâm chấn chỉnh nhiều biểu hiện chệch hướng trong đời sống báo chí như tình trạng “báo hóa” tạp chí, các trang thông tin điện tử tổng hợp “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, trong đó có 6 trường hợp ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành các Quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 03 trường hợp do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật; các cơ quan báo chí đã nộp lại 19 thẻ nhà báo do các trường hợp này nghỉ hưu theo chế độ, chuyển công tác hoặc nghỉ việc.
Về thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí), báo cáo cũng đánh giá, các cơ quan báo chí đang tập trung cao điểm thực hiện. Trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước có 850 cơ quan báo in, báo điện tử, giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018.
Về phát thanh - truyền hình, hiện có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình, với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình (tăng thêm 2 kênh truyền hình so với năm 2018).
Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận, xác định nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong năm 2020.