Nhiều ý kiến thiết thực cho chương trình “Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập”
Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập”. Ảnh: Hoàng Yến |
Chiều ngày 14/12, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã diễn ra diễn đàn “Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập”. Đại biểu tham dự thảo luận nhất trí hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự toàn diện, chưa được đầu tư đúng mức và đồng đều. Nhiều cơ sở Đoàn trên toàn quốc đang lúng túng, tổ chức chưa hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường cho thanh niên hội nhập.
Từ thực tế đó, các đại biểu thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến thiết thực, đóng góp giải pháp cho hoạt động giúp thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập trong giai đoạn 2022 – 2027.
Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thanh niên Việt Nam
Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận nâng cao năng lực ngoại ngữ là yếu tố then chốt giúp thanh niên Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Ngọc, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cục Đối ngoại, Bộ Công An cho biết, đơn vị thường tham gia phiên dịch, tham mưu xây dựng tài liệu phục vụ lãnh đạo tiếp xúc đối ngoại; thường xuyên sinh hoạt Câu lạc ngoại ngữ định kỳ 2 buổi/tháng như biên phiên dịch, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng dịch cabin. Thông thạo ngoại ngữ giúp đơn vị tự tin hơn khi tham gia các diễn đàn giao lưu văn hóa trong và ngoài nước và tham mưu cho lãnh đạo Cục công tác quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định năng lực tiếng Anh của thanh niên Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao so với thanh niên nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Đại biểu Tạ Nguyễn Như Anh, Bí thư Chi đoàn 11 Anh 1, trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi cho biết, nhiều học sinh, đặc biệt học sinh ở tỉnh lẻ chưa tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Thực hành tiếng Anh được nhà trường tổ chức nhưng sức thu hút chưa cao, chỉ dừng lại ở nhóm sinh viên, thanh niên có khả năng tiếng Anh tốt.
Các đại biểu đề xuất Trung ương Đoàn tổ chức nhiều cuộc thi tiếng Anh dành cho thanh niên, phối hợp với các đơn vị tổ chức CLB tiếng Anh với nhiều chủ đề và hình thức sinh hoạt phong phú. Ngoài tiếng Anh, thanh niên cũng cần học thêm các ngoại ngữ khác tùy theo địa phương. Ví dụ, địa phương giáp Lào thì thanh niên học thêm tiếng Lào.
Tiếp bước cha anh xây dựng quan hệ hữu nghị với bạn bè quốc tế
Đại biểu Trần Đại Thắng, Bí thư Ban Cán sự Đoàn tại Lào cho biết, tiếng Việt đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ lớp 3 tới lớp 12 trong các trường học tại 17 tỉnh của Lào. Thế hệ cha anh hai nước Việt Nam – Lào đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Để gìn giữ và tiếp nối tình cảm hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, thanh niên hai nước thường xuyên tổ chức hoạt động an sinh xã hội, tôn tạo các khu di tích để cùng nhau gìn giữ truyền thống, cũng như giúp Bạn bảo vệ đường biên giới phía Tây đất nước, đảm bảo an ninh chính trị.
Đại biểu Huỳnh Vĩnh Lộc, Bí thư Huyện Đoàn Củ Chi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Yến |
Đại biểu Lê Văn Hiếu, Bí thư Đoàn Đại học Thái Nguyên cho biết, đông đảo sinh viên Lào đang học tập tại Đại học Thái Nguyên. Do đó, các hoạt động giao lưu, kết nối giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào rất cần thiết. Đại biểu đề xuất Trung ương Đoàn hỗ trợ Đại học Thái Nguyên tổ chức các hoạt động giao lưu, làm cầu nối giữa đơn vị và các cơ sở khác trong việc gắn kết sinh viên Việt Nam và Lào.
Quảng bá du lịch và đặc sản vùng miền của Việt Nam tới bạn bè quốc tế
Đại biểu Huỳnh Vĩnh Lộc, Bí thư Huyện Đoàn Củ Chi cho biết, trên địa bàn huyện có một số sản phẩm mang thương hiệu OCOP như bột rau má, bơ đậu phộng… Hội nhập quốc tế là yếu tố quan trọng giúp thanh niên tại huyện Củ Chi tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Thanh niên tại huyện Củ Chi đã tổ chức nhiều hội chợ, chương trình du lịch trải nghiệm nhằm giới thiệu sản phẩm tới du khách quốc tế. Sau khi trở về nước, các du khách tham gia trải nghiệm đã giới thiệu một số đối tác nhập khẩu sản phẩm của thanh niên huyện Củ Chi.
Anh Huỳnh Vĩnh Lộc đề xuất đăng tải thông tin về các đặc sản vùng miền của Việt Nam lên các kênh thông tin của Trung ương Đoàn. Đồng thời, thông qua các kênh của Trung ương Đoàn, nhiều đoàn khách quốc tế sẽ tới du lịch trải nghiệm tại các địa phương.
Từ các ý kiến đề xuất trên, tổ công tác sẽ tổng hợp, chọn lọc các ý kiến, tổng hợp và trình lên Đại hội để đưa ra giải pháp thiết thực trong giai đoạn mới.
Lực lượng thực thi pháp luật trên biển đoàn kết và hợp tác vì vùng biển hòa bình Lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước tiếp tục hợp tác, đoàn kết để giữ gìn vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình và phát triển. |
Phụ nữ tỉnh Gia Lai và hai tỉnh Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia) chung tay vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Là địa bàn có đường biên giới với Campuchia, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Gia Lai cùng với Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển tỉnh Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia) tăng cường mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, bền vững lâu dài”. Phụ nữ 3 địa phương đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc. |