Riêng ở Việt Nam hàng năm có khoảng 230.000 ca đột quỵ mới. Theo số liệu thống kê, khoảng 20% bệnh nhân mắc đột quỵ tử vong trong vòng 1 tháng, 5% – 10% tử vong trong vòng 1 năm. Chỉ có khoảng 10% ca hồi phục không di chứng, 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ đột quỵ nhập viện có lúc chiếm đến hơn 20% tổng số trường hợp đột quỵ – theo thống kê của TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM. Đáng chú ý hơn cả, ngoài những tình trạng phổ biến do hậu quả thường thấy của đột quỵ như khiến bệnh nhân tàn phế và tử vong, người trẻ mắc đột quỵ còn bị giảm khả năng lao động, giảm khả năng sinh đẻ cùng nhiều ảnh hưởng bất lợi xã hội khác.

Lý giải vì sao có sự gia tăng tần suất bệnh đột quỵ ở người trẻ, Ths.BS Trần Thị Mai Thy cho biết do lối sống công nghiệp hiện nay như tình trạng ít vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh, béo phì, tiếp xúc nhiều yếu tố căng thẳng, stress... Bên cạnh đó việc sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có gas cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ trong cuộc sống. Những yếu tố kể trên làm gia tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…