Nhiều mô hình hỗ trợ giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng
Trong đó, số được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 734 lượt người. Số được học nghề, tạo việc làm là lượt 55 người; số được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe là lượt 8.625 người; số được cung cấp dục vụ phòng, chống lây nhiễm HIV là lượt 6.378 người.
Tuyên truyền phòng, chống mại dâm đến người dân tại Hải Phòng (Ảnh: VGP/VH). |
Đối với công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong năm qua, các Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 các địa phương đã tiến hành kiểm tra 21.862 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, qua đó phát hiện 5.035 cơ sở vi phạm; xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 1.688 cơ sở; phạt tiền 2.901 cơ sở với số tiền phạt 34,4 tỷ đồng; 132 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 16 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 298 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Tính đến nay, có 42 điểm mô hình được triển khai xây dựng thí điểm hoặc duy trì tại 13 tỉnh, thành phố theo 03 khung mô hình của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Nhờ triển khai tích cực, nhiều mô hình hỗ trợ người từng bán dâm đã phát huy hiệu quả, giúp họ được vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng.
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả
Tại Hà Nội, mô hình hỗ trợ giảm hại về mại dâm tiếp tục được triển khai ở các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai; đồng thời nhân rộng tại quận Hà Đông và Hai Bà Trưng. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan đánh giá: "Nhìn chung, tình hình mại dâm cơ bản đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp tại một số tuyến đường, khu vực đông dân cư".
Tại Phú Thọ, năm 2022, tỉnh đã khảo sát và lựa chọn xây dựng 2 mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2022, có ít nhất 25% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, 20% người lao động trong các khu công nghiệp, 25% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
100% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện ít nhất một tháng một lần.
2 mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập với cộng đồng sẽ được tư vấn về pháp lý, chăm sóc sức khỏe và cho vay vốn, tạo điều kiện để những người hoàn lương được tham gia sản xuất, kinh doanh, hòa nhập với cộng đồng.
Tại Hải Phòng, thời gian qua, Sở LĐTB&XH thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch về phòng, chống mại dâm năm 2022 và giai đoạn 2021- 2025. Công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong năm, Đoàn kiểm tra liên ngành 178 của Thành phố đã tiến hành kiểm tra tại 110 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở karaoke, cơ sở massage ... trên địa bàn thành phố, trong đó: kiểm tra 50 cơ sở trong kế hoạch đã được phê duyệt; ngoài ra, các thành viên trong Đoàn đã đề xuất kiểm tra đột xuất tại 60 cơ sở. Qua đó đã lập biên bản chuyển thanh tra chuyên ngành xử phạt 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động với tổng số tiền là 21 triệu đồng nộp Kho bạc Nhà nước. Thông qua việc kiểm tra đã hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong phòng, chống mại dâm, tăng cường quản lý không để tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở, góp phần phòng ngừa tội phạm về mại dâm, tội phạm mua bán người.
Năm 2022, từ nguồn Ngân sách thành phố và hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH tại Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 về ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hải Phòng đã tiếp tục triển khai thực hiện duy trì thí điểm các mô hình về phòng, chống mại dâm tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên năm 2022. Chi cục đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận Đồ Sơn, huyện Thủy Nguyên và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện một số hoạt động duy trì thí điểm các Mô hình: "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới"; "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" trên địa bàn quận Đồ Sơn; "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" và Mô hình "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Kết quả, năm 2022 đã tổ chức 8 buổi sinh hoạt nhóm cho 160 người; 2 buổi tập huấn nâng cao năng lực cho 60 người, 2 buổi truyền thông cho gần 200 người là cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các phường, đội công tác xã hội tình nguyện, thành viên của nhóm tự lực, chủ cơ sở và người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.
Từ mô hình hiệu quả của Hải Phòng, trong năm 2023, Sở LĐTB&XH các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý địa bàn, chú trọng địa bàn trọng điểm, khu du lịch nhằm giảm thiểu hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa giảm hại trong phòng, chống mại dâm theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH.