Nhiều cơ hội cho nhà trường và sinh viên tham gia hoạt động đối ngoại
Hội nghị mang tên Chia sẻ thông tin về công tác đối ngoại, đối ngoại nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Tham gia hoạt động này còn có đại diện một số Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trung ương, địa phương…
Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì hội nghị.
Hội nghị chia sẻ thông tin với các trường đại học, học viện, cao đẳng về công tác đối ngoại, đối ngoại nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Hội nghị nhằm tăng cường sự tham gia của các giảng viên, nhà nghiên cứu, đội ngũ trí thức, sinh viên các trường vào hoạt động đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên với các trường đại học, học viện, cao đẳng trong các hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã trình bày những thông tin cơ bản về công tác đối ngoại, đối ngoại nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đồng thời ông gợi ý một số nội dung định hướng trong hợp tác với các trường đại học, học viện, cao đẳng là: trao đổi thông tin định kỳ về tình hình thế giới, khu vực và đối ngoại nhân dân; đưa nội dung đối ngoại nhân dân vào chương trình ngoại khóa, chính khóa của các trường; kết nối hợp tác quốc tế; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại…
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung và phương thức trao đổi này. Nhiều thông tin về hoạt động đối ngoại nhân dân của các đơn vị giáo dục được trình bày. Qua đó, tiềm năng, xu hướng phát triển, đòi hỏi thực tiễn và mong muốn của các đơn vị về đối ngoại nhân dân trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu, hoạt động xã hội… được nhận diện và đề xuất hướng phát triển mới.
Đại diện các trường đề xuất gần 20 nhóm nội dung mong muốn hợp tác với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Ông Phan Anh Sơn (bên phải), Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Kết luận hội nghị, ông Phan Anh Sơn cho biết: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp nhận và tích cực nghiên cứu những sáng kiến, đề nghị của các đại biểu để xây dựng những kế hoạch công tác thiết thực, bổ ích; phục vụ mục tiêu cả trước mắt và lâu dài trong chủ trương phối hợp, hợp tác này.
TS Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao: Chúng tôi mong muốn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sớm hoàn thiện giáo trình Cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác đối ngoại nhân dân ở nước ta để Học viện có thể đưa vào hệ thống sách tham khảo, chuyên khảo hoặc biên soạn thành những học phần thích hợp dành cho sinh viên. Học viện đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cử chuyên gia tham gia các tọa đàm, thuyết trình về đối ngoại nhân dân cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Học viện. Đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tạo ra các sân chơi thiết thực với sinh viên như các cuộc thi, dự án nghiên cứu chung, start-up... kết nối với các đối tác nước ngoài. |
TS Lưu Thuý Hồng, Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đề nghị Liên hiệp hữu nghị ký biên bản ghi nhớ với Học viện với các nội dung như: tạo điều kiện cho sinh viên tham quan học hỏi, kiến tập, thực tập ở Liên hiệp; được tham gia giúp việc trực tiếp các sự kiện đối ngoại do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức. Bà cũng kiến nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng cường sự chủ động của sinh viên tham gia vào các hoạt động đối ngoại; thúc đẩy trao đổi sinh viên quốc tế qua kênh của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. |
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với các trường đại học tổ chức các buổi seminar chia sẻ về ý thức ngoại giao nhân dân, cung cấp thông tin về văn hoá làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, kỹ năng ngôn ngữ cho sinh viên. Chúng tôi mong muốn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kết nối, hỗ trợ nhà trường trong việc gửi - nhận sinh viên quốc tế đến Việt Nam thông qua các hình thức khác nhau; kết nối giảng viên, trí thức trẻ trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị… Các trường đại học cũng cần tăng cường liên kết tổ chức các hoạt động mang tính bổ trợ cho nhau. |
PGS. TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia: Đề xuất phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong triển khai các hoạt động như: mời báo cáo viên đến trường chia sẻ thông tin; kết nối hợp tác với các trường đại học quốc tế; hỗ trợ cho sinh viên kiến tập, thực tập. Chúng tôi cũng mong muốn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kết nối các trường, các cơ sở đào tạo về văn hoá Việt Nam thực hiện các buổi chia sẻ thông tin với con em người Việt Nam ở nước ngoài về lịch sử, văn hóa của Việt Nam. |
TS Nguyễn Văn Sang, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng: Hàng năm thành phố Đà Nẵng dành khoảng 150 suất học bổng cho sinh viên các tỉnh Nam và Trung Lào, trong đó có các học bổng ngành văn hoá, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam dành cho con em Hội người Việt Nam ở các tỉnh này. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ giảng dạy tại các trường dành cho người Việt tại Lào nhằm giữ gìn tiếng Việt, văn hoá Việt... Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã và đang triển khai chương trình “Người mẹ thứ hai” cho sinh viên Lào và Trung Quốc học tập trên địa bàn thành phố. Thông qua mô hình này tăng cường sự kết nối giữa các sinh viên nước ngoài với người dân địa phương, từ đó giúp các em có thêm hiểu biết và trải nghiệm về văn hoá Việt Nam. Đây là các mô hình hay mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có thể phổ biến, nhân rộng. |