Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa động đất - sóng thần 2011
Kim Hảo (t/h) 12/03/2023 07:25 | Thế giới 24 giờ


Kể từ năm 2022, Chính phủ Nhật Bản không còn tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia, nhưng chính quyền địa phương ở những nơi bị ảnh hưởng thảm họa này vẫn tổ chức các lễ tưởng niệm ở quy mô nhỏ.
Vào đúng 14h46 - thời điểm trận động đất có độ lớn lên tới 9 xảy ra ở khu vực Tohoku cách đây đúng 12 năm - người dân trên khắp đất nước đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa này.
Tham dự lễ tưởng niệm do chính quyền tỉnh Fukushima tổ chức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định chính phủ sẽ “tiếp tục nỗ lực hết sức” để đảm bảo việc tái thiết tỉnh Fukushima nói riêng và vùng Tohoku nói chung.
Anh Daigaku Toshihiko (thành phố Sendai, tỉnh Miyagi) đã mất đi 5 người thân: cha mẹ, vợ, anh trai và cháu trai. Sóng thần đã cuốn trôi ngôi nhà của cha mẹ anh và của anh. Anh Daigaku Toshihiko thường trở lại nơi lưu giữ kỷ niệm về gia đình mình vào ngày 11 hằng tháng.
"Tôi chắp tay lại và cầu nguyện những người thân đã khuất sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi nói với họ rằng, 12 năm đã trôi đi nhanh chóng và mọi người đều đang làm rất tốt", anh Daigaku Toshihiko chia sẻ.
Igarashi Hideko, người sống sót sau khi xảy ra thảm họa tại thành phố Soma, tỉnh Fukushima, bày tỏ: "Trong thâm tâm, tôi vẫn không thể quên những gì chúng tôi đã trải qua. Nhưng sau 12 năm, cuối cùng tôi cũng cảm thấy mình có thể chấp nhận những điều đã xảy ra".
![]() |
Người đàn ông cùng vợ cầu nguyện trước phần mộ của người thân tại Otsuchi, tỉnh Iwate. (Ảnh: Kyodo) |
Kawato Hiroaki (thành phố Miyako, tỉnh Iwate), một người may mắn sống sót sau thảm họa năm 2011, cho rằng: "Chúng ta luôn phải ghi nhớ cách sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa khác. Chúng ta không nên quên những gì đã xảy ra".
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) cho thấy thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.900 người và khiến 2.523 người khác mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate.
Ngoài ra, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính tới ngày 31/3/2022, số người tử vong liên quan tới thảm họa kép này, bao gồm cả những người bị bệnh hoặc tự tử vì bị trầm cảm, là 3.789 người.
Mặt khác, thảm họa cũng phá hủy nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra các sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima, khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
12 năm sau thảm họa, Chính phủ và người dân Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tái thiết các khu vực bị thiên tai tàn phá. Tuy nhiên, tính tới tháng 11/2022, vẫn còn khoảng 31.000 người ở các khu vực này chưa thể về nhà.
Đối với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, TEPCO đã hoàn thành việc tháo dỡ các thanh nhiên liệu hạt nhân trong bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 vào tháng 4/2014 và tại lò phản ứng số 3 vào tháng 2/2021.
Hiện nay, công ty đang nỗ lực để hướng tới tháo dỡ các thanh nhiên liệu tại các lò phản ứng số 1 và 2, đồng thời sử dụng robot để kiểm tra bên trong các lò phản ứng để sau đó thu gom các mảnh vụn nhiên liệu.
Trong bối cảnh đó, giữa tháng 1 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý này ra biển vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ phía người dân địa phương cũng như một số nước trong khu vực.


Đáng chú ý
Giao lưu nhân dân: động lực gắn kết tình hữu nghị Việt Nam và Brazil

Bài viết mới
Xe đạp đã "tiến hóa" ra sao trong 600 năm qua?

Công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia được giải cứu thành công từ vùng chiến sự Sudan

Chuyên đề

Giao lưu hữu nghị quốc tế năm 2023

Tết bạn trên đất Việt

50 năm hữu nghị Việt Nam - Pháp