Nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam
|
Ảnh minh họa |
Với diện tích 42.952 km², Đan Mạch chỉ lớn hơn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long (40.923 km²) một chút, nhưng quốc gia này đã sản xuất lượng lương thực cao gấp ba lần mức tiêu thụ của cả nước.
Từ năm 1990, Đan Mạch đã đi đầu trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững. Suốt 3 thập kỷ qua, Đan Mạch đã kéo giảm lượng khí carbon xuống mức thấp nhất châu Âu, nhưng sản lượng nông nghiệp lại tăng lên.
Từ năm 2017, chương trình hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi là một cấu thành quan trọng của thỏa thuận thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược xanh (GSP)” giữa Việt Nam và Đan Mạch, được chính phủ hai nước khởi động vào tháng 11/2023.
Trong đó, hai nước cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh, Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh và hoàn thành cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch Jacob Jensen gần đây và cũng là chuyến thăm cấp cao thứ hai của Chính phủ Đan Mạch đến Việt Nam chỉ trong vòng 2 tháng qua, ông Jacob Jensen khẳng định, mục đích của những chuyến thăm này sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề liên quan đến chính sách thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp định hướng xanh và bền vững.
Ông Jacob Jensen cho biết, Đan Mạch được biết đến là một quốc gia xuất sắc về sản xuất thực phẩm theo cách bền vững hơn. Chính phủ Đan Mạch đặt ra tham vọng lớn cho ngành nông nghiệp và đã phát triển các kỹ thuật, các cách thức để thực hiện điều đó.
Có thể thấy rằng thế giới đang đòi hỏi nhiều lương thực hơn trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng. Khủng hoảng khí hậu đang xảy ra và thế giới cần sản xuất nhiều thực phẩm hơn nhưng cần làm điều đó với lượng khí thải ít hơn, lượng khí nhà kính thấp hơn.
“Ở Đan Mạch, chúng tôi phát triển những kỹ thuật và cách thức khác nhau để thực hiện điều này. Chúng tôi có kinh nghiệm, có bí quyết và đó cũng là điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới, và là một phần trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Có thể thấy sự tương đồng lớn giữa những gì có thể cung cấp từ Đan Mạch, với các kỹ thuật mới, các phương pháp sản xuất thực phẩm mới và hỗ trợ những điều này trong mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Việt Nam trong ngành nông nghiệp để cùng có lợi. Đó cũng là lý do tại sao tôi ở đây để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”, ông Jacob Jensen nói.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã phát triển được các phương pháp và cách tiếp cận mạnh mẽ, sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị, giúp tăng năng suất sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nhưng đồng thời cũng giảm thiểu tiêu thụ nước và năng lượng. Và mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm này và truyền cảm hứng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Việt Nam.
Nông nghiệp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Đan Mạch
Trong lĩnh vực đầu tư, đối với các nhà đầu tư Đan Mạch, Việt Nam đã trở thành một điểm đến ngày càng quan trọng đối với họ nhờ vào môi trường kinh doanh thuận lợi, và cam kết mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Tập đoàn Lego và Pandora đến đầu tư tại Việt Nam đã đánh dấu cho cột mốc đáng nhớ này và là sự đánh dấu cho lĩnh vực xuất khẩu toàn cầu của Đan Mạch, thể hiện sự hợp tác của Đan Mạch với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Đan Mạch là một trong số các nước EU có mức xuất khẩu bình quân đầu người sang Việt Nam cao nhất. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam.
“Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đan Mạch. Dù hai nước cách xa nhau về mặt địa lý nhưng đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau. Chúng ta cần phải tiếp tục hợp tác để sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và thông minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững”, ông Jensen nhấn mạnh.