Nhà báo Mỹ đưa khoảnh khắc đời sống Việt ra thế giới
Phóng viên Amiad Horowitz (sinh năm 1984, quốc tịch Mỹ-Israel) (Ảnh: NVCC). |
Học giả tâm huyết với Việt Nam
Dù chính thức chuyển đến Việt Nam sống vào năm 2013 nhưng trước đó, năm 2011 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông Amiad Horowitz (sinh năm 1984, quốc tịch Mỹ-Israel). Khi đó Amiad đang nghiên cứu về chiến tranh Mỹ tại Việt Nam nhưng vấp phải khó khăn do có quá nhiều thông tin sai sự thật, nguồn tài liệu tin cậy lại khan hiếm.
"Tôi sinh ra tại Israel, và sau đó lớn lên ở Mỹ. Khi học tại Đại học Bar Ilan (Israel), chuyên ngành của tôi là lịch sử. Đến khi học Thạc Sỹ, tôi muốn nghiên cứu về chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Khi bắt đầu tôi đã nhận thấy những thông tin mình tìm thấy chỉ là quan điểm từ phía Mỹ. Có nhiều nguồn thông tin không đúng. Lúc đó đã rất muốn hiểu Việt Nam nhiều hơn vì vậy năm 2011 tôi đã thực hiện một chuyến đi đến đây với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel," Amiad chia sẻ.
Ở Việt Nam, Amiad cho rằng mình luôn được sống trong môi trường truyền cảm hứng để tập trung nghiên cứu. Ông được trải nghiệm thực tế những gì mà trước đây chỉ biết đến qua báo đài. Đặc biệt, cũng từ nghiên cứu mà cơ hội đóng góp các sản phẩm báo chí được mở ra cho học giả này.
Phóng viên Amiad Horowitz và tủ sách tại nhà (Ảnh: NVCC) |
Từ cuối năm 2022, ông bắt đầu làm việc tại Tạp chí Lý luận chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với vai trò là Hiệu đính viên. Ngoài ra, ông đang trong kỳ học đầu tiên của bậc Tiến sĩ, chuyên ngành Triết học tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền, vì vậy lịch trình hàng ngày rất bận rộn.
"Một ngày của tôi chia làm hai buổi. Đầu ngày tôi làm các công việc của Đảng Cộng sản (ĐCS) Mỹ (với vai trò trong Ban Thư ký của Uỷ ban đối ngoại), viết bài cho báo của ĐCS Mỹ. Buổi còn lại tôi hiệu đính tiếng Anh cho Tạp chí Lý luận chính trị, công việc này tôi có thể làm linh hoạt tại nhà. Cuối tuần tôi đến lớp tại Học viện, nghe giảng và làm việc với thầy, cô để viết luận." Amiad nói về lịch trình cho việc nghiên cứu và viết báo.
Góc nhìn thực tế và khách quan
Theo Amiad, để cho ra đời những sản phẩm báo chí thể hiện đúng và đầy đủ về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho bạn đọc bằng tiếng Anh, phải kết hợp những gì mình tìm hiểu được qua tài liệu cùng với thực tiễn những trải nghiệm của chính bản thân khi sống và làm việc ở Việt Nam.
Kể về bài báo đầu tiên viết về Việt Nam, phóng viên này cho biết mình chọn chủ đề đại dịch Covid-19. Đây là tác phẩm được đăng tải trên tạp chí "People's World" (báo của đảng cộng sản Mỹ), trong đó Amiad đã kể chi tiết những biện pháp ứng phó mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam chung tay thực hiện để ổn định cuộc sống giữa đại dịch.
Ông chia sẻ, ở Mỹ có rất ít thông tin về dịch COVID-19 ở Việt Nam nên khi đó tôi nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ bạn bè và người thân hỏi thăm. Họ đều thắc mắc tại sao Amiad lại gọi Việt Nam là "đất nước an toàn nhất" vào giai đoạn bùng phát đại dịch. Bài viết của ông đã trả lời cho câu hỏi đó bằng những ví dụ thực tế và khách quan.
"Đầu năm 2020, Chính phủ bắt đầu có hành động rõ ràng. Các trường học vẫn đóng cửa do các gia đình vẫn ở nhà trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch... Chính phủ đã ra mắt một trang web và ứng dụng di động để mọi người báo cáo lịch sử du lịch và tình hình sức khỏe hiện tại của họ. Đáng chú ý, chi phí y tế của tất cả công dân Việt Nam đều do chính phủ chi trả và bất kỳ ai trong diện cách ly đều được cung cấp thực phẩm tươi miễn phí hàng ngày. Khẩu trang và nước rửa tay miễn phí được cung cấp trên toàn quốc." Amiad đã viết.
Ông Amiad phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị đầu năm 2023 (Ảnh: NVCC). |
Cũng trong bài, ông nhận xét: "Trên mọi phương diện, ba tháng sau cuộc chiến này, Việt Nam đã là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới."
Từ bài viết đầu tiên vào tháng 4/2020, Amiad cho ra nhiều bài báo với các chủ đề đa dạng, đưa những góc nhìn, cảm nhận của một người ngoại quốc về quá trình bầu cử công khai, dân chủ hay về chính sách ngoại giao ở Việt Nam.
Amiad cho biết một trong những chủ đề ông quan tâm nhất là chính sách ngoại giao, nên đã dành nhiều tháng nghiên cứu. Bài báo mới nhất của ông trên trang "People's World" cũng chính là về chủ đề này. Trước khi viết, ông kết hợp tìm đọc tài liệu, sách tham khảo cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ông cũng nói chuyện với các thầy, cô hướng dẫn ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền nơi ông đang theo học Tiến sĩ để có được ý kiến chuyên gia. Những người bạn xung quanh cũng như sự giúp đỡ từ các tổ chức, hiệp hội như các Hội hữu nghị đã cho ông nhiều thông tin hữu ích để hoàn thành bài viết.
"Chính sách ngoại giao của Việt Nam xác định rõ ba trụ cốt chính là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, và đặc biệt đề cao giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cùng chung sống giữa các quốc gia. Việt Nam có vị thế quốc tế ngày càng cao, nhận được sự tôn trọng từ khắp nơi trên thế giới." Amiad chia sẻ về nội dung chính trong bài viết.
Tác giả Amiad Horowitz nhận giải A tại Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 (Ảnh: NVCC). |
Từ nay đến hết năm 2023, Amiad đặt ra mục tiêu trước mắt là đạt kết quả tốt trong kỳ thi trình độ tiếng Việt. Để tiến xa hơn trong sự nghiệp báo chí, ông cũng có một mục tiêu dài hạn trong học và làm việc tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Đối với phóng viên người Mỹ này, Việt Nam đáng yêu, thân thiện và là "miền đất hứa". Được tận mắt sống và cảm nhận về đất nước, con người nơi đây là một điều may mắn và qua đó sẽ đưa hình ảnh Việt Nam chân thực, sống động nhất lên trang báo để phục vụ bạn đọc quốc tế.
"Lý do tôi tích cực làm báo một phần vì việc này khiến cá nhân tôi trở thành một Đảng viên tốt hơn. Hơn nữa, thật tuyệt vời khi được giúp những người trẻ, nhất là những Đảng viên trẻ các quốc gia, đóng góp những nguồn thông tin về Việt Nam cho họ.". Amiad chia sẻ.