Nguyên nhân sự cố chạy thận ở Nghệ An: Bị sốc do nhiễm khuẩn
Liên quan đến các bệnh nhân Nghệ An có phản ứng bất thường khi chạy thận phải chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bạch Mai, PGS Đào Xuân Cơ – Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hai bệnh nhân này được chuyển cấp cứu từ chiều 31/7 trong tình trạng nặng. Cả hai đều bị toan chuyển hóa, suy đa tạng.
Một trong hai nữ bệnh nhân gặp phản ứng bất thường khi chạy thận ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hiện đang được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. |
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành bù dịch, cung cấp oxy, sử dụng kháng sinh phổ rộng, hồi sức tích cực và lọc máu lên tục.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng phản ứng bất thường của các bệnh nhân khi chạy thận là do bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Loại vi khuẩn gây sốc là Bukhodelria cepacia. Đây là vi khuẩn có mức độ kháng cao đối với một số nhóm kháng sinh, gây nhiễm trùng bệnh viện.
Về tình hình sức khỏe hiện tại của hai bệnh nhân này, PGS Đào Xuân Cơ cho biết: "Sau hai ngày điều trị, sáng nay cả hai bệnh nhân diễn biến tốt hơn, chỉ số sinh tồn khá tốt, mạch và huyết áp ổn định, đã thoát sốc".
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật nhân tạo là thâm nhập và có nhiều biến chứng khác nhau. Triệu chứng sốt cao, rét run là một trong những biến chứng điển hình của thận nhân tạo.
“Chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, bệnh viện Bạch Mai đã nuôi cấy vi khuẩn và đã tìm được ra loại vi khuẩn gây ra sự cố cho 06 bệnh nhân”, bác sĩ Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, kỹ thuật nhân tạo có rất nhiều khâu, nguồn nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở tất cả các khâu. Nếu nước lọc máu không phải là nước vô khuẩn, nếu nước có vấn đề thì sẽ tuỳ theo tình trạng bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Vì vậy việc tìm ra nguồn nhiễm ở khâu nào thì cần phải có thời gian xem xét thật kỹ lưỡng.
Bệnh viện Bạch Mai chính thức thông tin về tình hình sức khỏe hai bệnh nhân trong sáng ngày 2/8. |
"Rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận hôm 30/7 cho thấy Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An làm đúng quy trình, súc rửa đường ống đúng thời hạn. Sự cố này có thể do nhiều yếu tố, nguyên nhân đang được tìm hiểu và sẽ có trong thời gian tới", bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Trước đó, vào ngày 30/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã có 6/21 bệnh nhân đang chạy thận thì có phản ứng bất thường. Ngay sau đó, Bệnh viện này đã cho ngừng toàn bộ hệ thống máy chạy thận, đồng thời chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để cấp cứu.
Trong đó, có 3 người được hồi sức cấp cứu tích cực, sau đó 2/3 bệnh nhân còn lại do tình trạng nặng hơn nên đã chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai.
132 bệnh nhân chạy thận theo chu kì buộc phải chuyển chạy thận sang các bệnh viện khác: Bệnh viện Đa khoa 115, Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh, Bệnh viện Quân y 4 trên địa bàn tỉnh.
Sau đó, Sở Y tế Nghệ An cùng Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An mời 2 chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai vào tìm hiểu nguyên nhân gây sự cố và khắc phục. Mẫu nước chạy thận tại bệnh viện cũng được lấy và gửi xét nghiệm tại Viện Sức khỏe môi trường (Hà Nội).
Được biết, hệ thống nước cung cấp cho các máy chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần. Lần gần nhất các máy này được kiểm tra nguồn nước là ngày 23/6.