Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Nguyên đán của người Việt
Nguồn gốc của Tết
Tết, khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm, và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết. Trong sử sách, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều phân tích và cho thấy những yếu tố gì dẫn đến việc hình thành nên cái Tết như ngày nay.
GS. TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết trong tạp chí Indochine số 75 và 75 ngày 12/12/1942, được MaiHaBooks dịch và in lại trong cuốn “Tết Việt Nam xưa” rằng, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm. Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông. Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.
Mua sắm đồ mã trang trí bàn thờ dịp Tết. (Ảnh: TUYẾT LOAN) |
Tết này gọi là “tiết Nguyên đán”, “thời kỳ rạng đông bắt đầu”. Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.
Vì Âm lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, cho nên Tết Nguyên đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch, cho nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Nhà sử học Trần Văn Giáp trong bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” năm 1963 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I giới thiệu) cũng phân tích, “Tết” hiểu theo gốc chữ Hán là chữ “Tiết”, nghĩa là “thời tiết” tức là “Bát tiết” và “khí tiết”. “Bát tiết” theo chữ Hán là Tám ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Con cháu chúc Tết các bậc bề trên trong một gia đình Việt hồi đầu thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu) |
Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ, bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân... mà là những ngày Tết có cúng lễ, gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí. Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.
Tết Nguyên đán được xem là tiết lễ đầu tiên của năm mới, bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ "trừ tịch". Lễ "trừ tịch" thường được tiến hành giữa giờ Hợi của ngày 30 hay nếu vào tháng thiếu thì vào ngày 29 tháng Chạp, và giờ Tý của ngày mồng 1 tháng Giêng năm mới.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh
Hai chữ “Nguyên đán” là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. “Nguyên” nghĩa là đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Nguyên đán” là buổi sớm đầu năm…
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích trong cuốn “Tập tục đời người”, người Việt sử dụng nông lịch hay lịch âm được tính theo vòng quay của mặt trăng chung quanh trái đất, nhưng cũng tính được 24 tiết khí của trái đất với mặt trời, với 4 điểm gốc Xuân phân, Thu phân, Đông chí, Hạ chí. Tết bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng Giêng, khởi đầu của một năm mới, cũng là khởi đầu của một chu kỳ canh tác mới.
Sôi động vườn quất trước Tết. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Còn trong cuốn “Bắc kỳ tạp lục” của tác giả Henri Emmanuel Souvignet viết: “Tết Nguyên đán hay Tết đầu năm bắt đầu với lễ tế giao thừa lúc nửa đêm, vào đúng thời khắc năm cũ qua đi (giao) và năm mới tới (thừa), chính vì thế mà có cái tên Tế giao thừa để gọi lễ này".
Còn về nguồn gốc Tết ở Việt Nam bắt đầu từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định. Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, ngày “Tết Nguyên đán” ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ “Tết Nguyên đán” cũng được phổ biến từ thời đó.
Gói bánh chưng ngày Tết. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Còn theo sự tích “Bánh chưng, bánh dày”, Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.
Ý nghĩa của Tết
Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới, cho nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt.
Mang mùa xuân về nhà. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Với mỗi người Việt, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết, để có thể đón một năm mới thanh thản, an vui.
Ngày xưa mỗi khi giáp Tết, con cháu làm ăn xa xôi, cách trở phương trời đến mấy cũng gắng thu xếp về sum họp cùng gia đình. Bởi dịp này là dịp gặp gỡ ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng ruột thịt. Để chờ đến giao thừa, mỗi người thắp một nén nhang trước bàn thờ gia tiên, nhờ người xưa phù độ hộ trì. Nói chung, không khí đêm giao thừa trong lòng người Việt chúng ta là thiêng liêng lắm. Người sống và người đã khuất trong thời khắc ấy hình như có một cuộc gặp gỡ trong cõi vô hình, điều này khó có ai giải thích nổi.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: “Ngày này là lúc khởi đầu của một năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu”.
Chính vì thế, “người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí, người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó… Trong các công sở, người ta cất triện vào hòm khóa, và sự giải quyết việc công được ngừng ngay từ hôm 25 tháng Chạp, chỉ tiếp tục lại một cách long trọng vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm mới”.
Em bé đi chơi chợ Tết làng Mọc Quan Nhân. (Ảnh: TUYẾT LOAN) |
Cụ Nguyễn Văn Huyên cũng nhấn mạnh vào ý nghĩa quan trọng của Tết: “Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ bắc chí nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi của người nghèo nhất cũng như giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở. Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến, và ăn Tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hằng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hằng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm. Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm đồng tâm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình… Bản thân hoàng đế cũng phải đánh dấu, bằng những nghi lễ được quy định cẩn thận, sự kiện tạo cho ngài một năm mới để thực hiện thiên mệnh của mình”.
Đón xuân. (Ảnh: VƯƠNG ANH) |
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh viết trên tạp chí Indochine số 177 (ngày 20/1/1944 - “Tết Việt Nam xưa”) về ngày Tết: “Bất chấp những lệnh cấm của chính quyền, người An Nam vẫn tổ chức các lễ hội theo âm lịch và đặc biệt là ngày đầu năm mới - một ngày lễ lớn đầy chất thơ và mang tính truyền thống. Trong ba ngày lễ ấy, mọi người được thoải mái vui cười, bỏ qua những lo lắng phiền muộn, những mối hận thù cá nhân. Ba ngày tĩnh tâm để gợi nhớ tổ tiên, để cho các linh hồn hộ mệnh của họ trở về giữa những người đang sống. Mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn no uống say, thưởng thức những món ngon trong không khí trang trọng, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều đẹp đẽ nhất, trao nhau những điều ước và những lời chúc tụng tốt đẹp. Đó là một sự nghỉ ngơi, một hiệp định đình chiến, chấm dứt mọi tranh đấu và ganh đua, một giấc mơ hạnh phúc lớn lao…”
Tết, là sự khởi đầu. Trở về với Tết, cũng là trở về với sự khởi đầu. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Tết, mà mỗi lần xuân về, người Việt lại cùng nhau hướng tới.
Tết là trở về
Xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn.
Niềm vui mỗi dịp xuân về. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết. Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa “không thành lời” nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết.
(Ảnh: KHIẾU MINH) |
Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại, dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống.
Cành đào là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Đó là chuẩn bị những sản vật truyền thống, từ trang trí nhà cửa cho đến các món ăn cho ngày Tết. Chị L.T.Q (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, gia đình chị cắm và trang trí nhà cửa bằng rất nhiều loại hoa khác nhau, từ hoa nhập khẩu cho đến hồng, cúc Tây Tựu, Mê Linh… Tuy nhiên, có hai thứ không bao giờ vắng bóng trong căn hộ nhỏ của chị trong mọi mùa Tết, đó là một cành đào Nhật Tân cánh dày, hoa thắm và một chậu quất Tứ Liên quả trĩu, tán dày, có đủ cả chồi non, cả hoa trắng, quả xanh, quả vàng. "Gia đình tôi năm nào cũng vào tận vườn chọn đào và quất. Thiếu hai thứ này, dù nhà có ngập tràn các loại hoa, vẫn không có không khí Tết” - chị chia sẻ.
Tết, nhiều người trẻ chọn du xuân xa nhà, nhưng số đông vẫn hướng về đoàn tụ với gia đình. (Ảnh: VƯƠNG ANH) |
Không đón Tết ở Hà Nội như nhiều gia đình khác, năm nay gia đình chị H.T.H (Ba Đình, Hà Nội) sắp xếp đồ về quê sớm từ ngày 25 Tết. Ông bà ngoại, anh chị em bên ngoại đều sống ở Hà Nội, ông bà nội đã mất, anh chị em bên nội cũng sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau, không ở quê, nhưng năm nào nhà chị cũng đưa trẻ con về để nhớ về nguồn cội. “Nhưng năm nào cả nhà tôi cũng về quê, ở đó còn các bác, các dì, họ hàng. Hai năm vừa rồi dịch Covid-19 nên không về quê được, hai con tôi năm nay rất háo hức. Đón Tết ở quê chắc chắn không thể nhộn nhịp, sôi động như ở thành phố, nhưng rất ấm áp và lúc nào cũng tràn ngập tình cảm” - chị H bày tỏ.
Đi chợ Tết. (Ảnh: KHIẾU MINH) |
Một cách đón Tết khác, cũng rất truyền thống, đó là một số gia đình cùng nhau gói bánh chưng, giò xào, hoặc cuốn nem, làm các món ăn truyền thống ngày Tết.
Chị P.T.N ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, hằng năm nhà chị dù bận đến đâu cũng cố gắng dành ra một ngày để gói và luộc bánh chưng, để các con hiểu và yêu thích Tết truyền thống của ông bà. Năm nay, tìm được thêm vài nhà có chung ý tưởng, chị bàn với mọi người tổ chức một buổi gói bánh chưng chung để trẻ con trải nghiệm. “Chúng tôi hướng dẫn các con cách lau lá, đổ gạo, đỗ, xếp thịt và gấp lá, buộc lạt. Chúng tôi cũng lựa chọn một góc sân chung cư, đi xin gỗ thừa, củi về luộc cho đúng với tinh thần của các cụ ngày xưa. Tôi tin rằng những trải nghiệm này sẽ giúp các con tôi nhớ mãi, và sau này khi trưởng thành, chúng cũng sẽ hướng con cái về với truyền thống như cha mẹ bây giờ”.
Sự hướng về truyền thống ấy, cũng xuất phát từ nguồn gốc của Tết, chính là sự khởi đầu của mọi điều tốt đẹp.