Nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 9/8 âm lịch
Hàng năm cứ vào ngày 9/8 âm lịch, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) lại diễn ra lễ hội chọi trâu thu hút sự chú ý của người dân địa phương và du khách trên cả nước. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn được gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ tồn tại từ rất lâu đời và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013.
Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu”. Câu ca được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như một minh chứng về tầm quan trọng của lễ hội chọi trâu trong tâm thức của người dân Đồ Sơn.
Nguồn gốc lễ hội chọi trâu
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác lịch sử hình thành lễ hội chọi trâu. Trong dân gian, có nhiều truyền thuyết và sự tích về lễ hội được lưu truyền như sau.
Thần tích Tước Điểm Đại Vương
Sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (biên soạn vào triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19) cho rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng có liên quan thần tích "Tước Điểm Đại Vương" - vị tôn thần của người dân vạn chài nơi đây. Sách ghi lại truyền thuyết rằng một số người dân từng đi qua đền thờ vị tôn thần này và gặp hai con trâu húc nhau. Tuy nhiên khi thấy động thì chúng bỏ chạy xuống biển. Từ đó, người dân địa phương mở hội chọi trâu vào mùng 9/8 âm lịch hàng năm. Vào thời điểm diễn ra lễ hội, thường có mưa to gió lớn. Người dân nơi đây cũng quan niệm đó là thời điểm thủy thần Đồ Sơn hiển linh.
Huyền tích Bà Đế
Lịch sử của lễ hội chọi trâu cũng được cho là gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế. Sau này trở thành vợ vua Thủy Tề. Bãi biển nơi vua Thủy Tề đón nàng về cung từ đó có rất nhiều tôm cá. Về sau, người dân địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu. Nếu làng chài nào thắng thì được độc chiếm bãi cá này, đồng thời dùng con trâu thắng cuộc hiến tế thủy thần để mong phù hộ được mùa tôm cá.
Ngoài ra cũng có sự tích cho rằng cô gái nghèo tên Đế này do lỡ có thai với vua Thủy Tề mà bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, sau đó địa phương lập đền thờ, tên gọi đền Bà Đế. Bãi biển nơi Bà Đế bị chết, tôm cá kéo đến tập trung ngày một nhiều. Năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu, những con trâu thắng mang ra biển cúng tế Bà.
Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến; về sau, khi trình độ xã hội phát triển, việc hiến sinh con vật được thay thế.
Thần tích cá Kình
Lễ hội chọi trâu, mổ trâu bắt nguồn từ lễ hiến tế trâu để ngư dân Đồ Sơn không bị cá kình ăn thịt. Dân làng chài kể lại rằng dân chài thường bị cá kình ăn thịt nên lập đàn cầu thần linh phù hộ vào thượng tuần tháng sáu và hứa sẽ mổ trâu, mổ lợn lễ tạ. Sau đó hai tháng, vào một đêm mưa bão gió giật, sáng ra thấy xác cá kình chết, trên hầu có vết chim cắn, một loại chim thần giáng thế độ dân. Từ đó, dân làng không bị cá ăn thịt nữa. Như đã hứa, hàng năm dân làng mang trâu đến lễ thần ở đền Nghè. Khi lễ, trâu dứt đứt dây, chọi nhau quyết liệt. Mọi người cho rằng thần linh thích xem trâu chọi. Bởi vậy hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu và ngày đó đã trở thành đại sự, ngày hội truyền thống của dân vạn chài.
Ý nghĩa của lễ hội chọi trâu
Lễ hội chọi trâu được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của cư dân miền biển, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.
Ý nghĩa ban đầu của lễ hội chọi trâu là để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh", khẳng định tinh thần đoàn kết, duy trì ý thực cộng đồng.
Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải. Trong quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Một ý nghĩa tốt đẹp khác nữa là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người dân Đồ Sơn tin rằng nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn và tốt lành.
Xem thêm:
Hội nghinh Ông là gì? Vì sao hội này được coi là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân? Hội nghinh ông được coi là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân Việt, hội này bắt đầu từ các tỉnh ven biển, từ ... |
Đại lễ Vu lan 2019: Không đốt vàng mã, không cúng lễ thu tiền Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các cơ sở thờ tự không đốt vàng mã, không tổ chức cúng lễ thu tiền trong ... |
Mâm cúng lễ Vu Lan báo hiếu cần chuẩn bị những gì? Mâm cúng lễ Vu Lan báo hiếu cần chuẩn bị thành tâm, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy nhưng phải thể hiện được ... |
Ngày Vu Lan 2019 là ngày nào? Ngày Vu Lan là ngày để những người con thể hiện đạo hiếu với đấng sinh thành. Đây cũng là ngày lễ chính thức của ... |
Bông hồng cài áo mùa Vu Lan: Nguồn gốc và ý nghĩa ít ai biết Hình ảnh bông hồng cài áo luôn gắn liền với mùa Vu Lan tháng 7 âm lịch. "Bông hồng cài áo" có nguồn gốc và ... |
6 loại hoa dùng để cúng ngày lễ Vu lan Hoa huệ, hoa hồng, hoa ly, hoa lan, hoa cẩm chướng, hoa mẫu đơn là 6 loại hoa được chọn để dâng lễ cúng ngày ... |