“Người lao động có cơ hội thuê nhà giá phù hợp khi tham gia tổ chức Công đoàn”
Hôm 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), một trong những nội dung đáng chú ý là quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Trao đổi thêm với báo giới về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Với tư cách là tổ chức đại diện quyền lợi hợp pháp của người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận thấy một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động là vấn đề nhà ở”.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói về việc Công đoàn Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, vấn đề nhà ở còn tác động trực tiếp tới các vấn đề khác trong đời sống đoàn viên công đoàn như: Điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua kết quả khảo sát, đa số các công đoàn viên đang phải đi thuê nhà và là gia đình trẻ. Không chỉ còn là mong muốn thực tế, nguồn chi phí lớn về nhà ở còn trở thành là một lý do khiến nhiều cán bộ công chức, viên chức rời khu vực công để tìm kiếm công việc thu nhập cao hơn ở khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Một gia đình công nhân ở trong Khu thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam (Ảnh: H.N) |
“Qua lắng nghe tâm tư của công đoàn viên, chúng tôi đã cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Điều này cũng là thể hiện sự quan tâm của Tổ chức Công đoàn tới đời sống của công đoàn viên”, ông Ngọ Duy Hiểu nói. |
Trả lời câu hỏi về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kinh nghiệm gì trong triển khai lĩnh vực xây dựng nhà ở, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Trên cơ sở đó, trong vài năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức xây dựng khu thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II (tỉnh Hà Nam) với 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ cho thuê.
“Công trình cũng được đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tế và chứng kiến điều kiện ăn ở, cuộc sống của người lao động. Công nhân sống tại đây đã phấn khởi vì có nơi ở ổn định, giá rẻ từ đó yên tâm lao động sản xuất”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Một góc của khu thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam (Ảnh: H.N) |
Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tới cuối năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất triển khai dự án, trong đó có một số tỉnh, thành đã đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Trước đó, phát biểu tại Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung. Do vậy cần một hệ thống pháp luật có khả năng khai phóng để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho nhóm đối tượng này.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên.
Đảm bảo nguồn vốn cho dự án Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nguồn vốn cho dự án sẽ được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính và từ Quỹ đầu tư của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bày tỏ quyết tâm, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm: “Tổng Liên đoàn xác định khi tham gia chỉ đầu tư có tính tượng trưng, vì kinh phí công đoàn cũng hạn chế. Nhưng chúng tôi vẫn muốn được làm để khẳng định với công đoàn viên, người lao động rằng họ sẽ có cơ hội thuê nhà giá phù hợp khi tham gia tổ chức Công đoàn”. |