Người Lào đón tết Việt tại Đắk Lắk
Những người Lào đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Đắk Lắk, họ xem Việt Nam là quê hương thứ 2. Họ cũng đón Tết Nguyên đán như bao người Việt Nam khác. Trong mâm cơm tất niên, dâng lên tổ tiên, ngoài bánh chưng, bánh tét...họ cũng chuẩn bị một số món ăn đặc trưng của người Lào như bún cá, gỏi cá Lào, gà nướng, thịt nướng…
Tại khu du lịch gần cầu Treo Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) một người Lào làm du lịch, cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, người Lào cũng chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa và các trang phục truyền thống cho gia đình, con cái. Nhiều gia đình cũng giữ phong tục buộc chỉ cổ tay, như trong dịp Tết cổ truyền của người Lào, để cầu mong năm mới mạnh khỏe, may mắn. Dù đã rời xa quê hương định cư ở Đắk Lắk rất lâu, nhưng người Lào vẫn giữ nét văn hóa truyền thống.
Trong sự phấn khởi đón Tết, chị Bun Kiệm Lào (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, "sau Tết Nguyên đán truyền thống ở Việt Nam, hơn 2 tháng sau là Tết Bunpimay truyền thống của người Lào. Khi đó, mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống và cột chỉ tay cho gia đình con cái để mang lại nhiều sức khỏe. Bên dòng sông Sêrêpốk, mọi người cùng nhau thả hoa đăng, với nguyện ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới 2024.
Nhìn về dòng chảy của lịch sử, người Lào trong quá trình xuôi theo dòng Sêrêpôk qua lại để giao thương đã mang theo những nét văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo đến vùng đất này. Do đó, một nghi thức thiêng liêng trong Tết Bunpimay của người Lào là Lễ tắm Phật. Với người Lào, nghi thức tắm Phật để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ. Người Lào tin rằng nghi lễ này mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, con người”.
Theo anh Nguyễn Trường Sơn (du khách đến từ Thừa Thiên – Huế) trong một dịp đến Đắk Lắk vào Tết Nguyên đán, may mắn ghé ăn bữa cơm của người Lào kể lại: “Tôi thật sự ấn tượng với cách đón Tết cổ truyền của người Lào ở Đắk Lắk. Mâm cơm của họ được bày biện đẹp mắt khiến cho khách cảm nhận được hương vị của tình thân, gần gũi, bình dị, mộc mạc và rất đỗi ấm cúng. Thức ăn do người Lào chế biến cũng khá hợp khẩu vị của người Việt, rất đậm đà, ngon, bổ, rẻ”.
Dọc biên giới của 4 tỉnh Tây Nguyên, từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đều có người Lào, Campuchia… Sinh sống, trong số này đã được Đảng và Nhà nước ta cấp Quốc tịch Việt Nam. Những người Lào, người Campuchia luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 tươi đẹp với họ, giờ đây họ đã gắn bó và xem nơi đây là máu thịt của mình. Dòng chảy của lịch sử đã mang họ đến, giao thoa văn hóa, sẻ hòa quện lại và tạo nên nét văn hóa tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà, trên đất nước ta.