Tết của người Việt ở Lào, Campuchia
Ngay sau thời khắc chuyển giao năm cũ và chào đón năm mới, với những người Việt đang sống ở xa quê, việc đi chùa lễ Phật đầu năm là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền.
Cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn, Lào tới chùa thắp hương lễ Phật đầu năm. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào) |
Theo TTXVN, trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, chùa Phật Tích ở thủ đô Lào đã trở nên đông đúc và rực sáng trong ánh đèn, nến, cùng những làn khói tỏa ra từ nhang, đã khiến nơi đây trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Tâm thức của người Việt Nam luôn tin rằng đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình chốn tâm linh, bỏ lại đằng sau bao vất vả mưu sinh cũng như cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Sinh sống và làm việc tại Lào đã lâu nhưng năm nào anh Phan Tiến Anh cũng cùng vợ và hai con đến chùa vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Anh cho biết mình duy trì truyền thống này trước hết là để các con anh hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp của Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến xuân về, tiếp đó là để cầu chúc cho anh và gia đình mình một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui và bình an.
Sinh ra và lớn lên tại Lào, cứ vào chiều 30 Tết bà Nguyễn Thị Bích Liên lại cùng gia đình và con cháu lên chùa thắp hương lễ phật, sau là để chờ xem múa lân. Bà cho biết, vào mỗi dịp này bà muốn các con cháu biết được không khí Tết Việt thiêng liêng như thế nào.
Mâm cơm đạm bạc với những món truyền thống nhà chị Mai cúng ông bà ngày 28 tháng Chạp. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM) |
Tại tỉnh Kandal (Campuchia), xóm lao động người Việt ở huyện Kaorm Samnor vẫn giữ được những nét truyền thống mà cha ông để lại, vẫn dựng nêu, rước ông bà... và cùng quây quần bên nồi thịt kho tàu đón năm mới.
Năm nay chị Phạm Thanh Mai háo hức chuẩn bị Tết từ hôm 28 tháng Chạp - ngày nhà chị nấu cơm cúng rước ông bà. Cũng như mọi năm, chị làm một nồi thịt kho trứng với một nồi khổ qua ăn từ đây tới hết ba ngày Tết. Đó là tục mà ông bà truyền lại, chị noi theo mà chuẩn bị cho tươm tất. "Nấu khổ qua để mong cái khổ nó qua đi, còn ăn thịt kho hột vịt thì mong năm mới đủ đầy sung túc", chị Mai nói.
Chị Trần Thị Phượng, hàng xóm chị Mai, chia sẻ rằng Tết nào cũng vậy, bà con trên này thường cũng nấu mấy món ăn quê truyền thống đón Tết. “Mới sáng này đây chị em hàng xóm còn kéo nhau lên chợ mua hoa về chưng Tết. Thường thì chọn hoa cúc với hoa huệ đỏ tại nó chưng được lâu với nhìn cũng đẹp", chị Phượng kể.
"Tết trên này cũng vui chứ không đến nỗi buồn hiu đâu. Mình ăn Tết mà hàng xóm người Campuchia họ cũng ăn, cũng sắm sửa hoa trái, nấu nướng, hát karaoke vui vẻ lắm", chị Phượng nói thêm.