Người đưa tiếng quê hương sang nước bạn Australia
Dạy con tiếng Việt nơi quê người
Mục lục |
Chị Hồng Vân kể: Khi nghe hai con "chêm" nhiều từ ngoại ngữ vào các câu tiếng Việt, chị cảm thấy không thể kéo dài hiện tượng này. Mong muốn giữ gìn tiếng quê hương nơi xứ người, chị Vân đăng ký tham gia dự án VietSpeech do Hội đồng nghiên cứu Úc châu tài trợ.
TS Trần Hồng Vân. |
Đây là dự án có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ của trẻ em gốc Việt ở nước ngoài và việc duy trì tiếng mẹ đẻ trong các gia đình người Việt ở nước ngoài nói chung và Australia nói riêng. Luận án tiến sĩ thứ 2 của chị Trần Hồng Vân cũng được hình thành từ chủ đề này và đã được trao giải giải luận án xuất sắc nhất trường ĐH Charles Sturt...
Công trình nghiên cứu của TS Trần Hồng Vân và đội ngũ giáo sư, tiến sĩ chủ trì dự án VietSpeech đã chỉ ra nhiều yếu tố quan trọng trong việc giữ tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài như: Bố mẹ phải nói tiếng Việt với con ở nhà, bố mẹ có thái độ tích cực đối với việc giữ tiếng Việt và văn hóa Việt. Nghiên cứu này cũng cho thấy nhiều bố mẹ có mong muốn giữ tiếng Việt cho con nhưng không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào.
Từ kết quả nghiên cứu, chị Vân và team VietSpeech đã thử nghiệm chương trình hỗ trợ các gia đình trong việc giúp con nói và học tiếng Việt có tên là SuperSpeech. Chương trình được thực hiện online (do Covid) vào năm 2019 và kéo dài 10 tuần với sự tham gia của 15 gia đình trên khắp Australia và đã nhận được những phản hồi vô cùng tich cực và yêu cầu của nhiều gia đình muốn chương trình được thực hiện lại.
Team VietSpeech cũng cho ra đời cuốn cẩm nang Multilingual Children (Trẻ đa ngữ), tài liệu miễn phí online cung cấp kiến thức cho các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài về các chủ đề như: lợi ích của việc duy trì tiếng mẹ đẻ; các chiến lược, cách thức để giúp con duy trì tiếng mẹ đẻ; cách dạy con học tiếng Việt vui từ tài liệu sẵn có và từ sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày; kiến thức về hệ thống ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để trẻ có thể so sánh…
Lan tỏa tình yêu tiếng Việt
Cũng với mục đích nhằm nâng cao nhận thức của các gia đình người Việt ở nước ngoài về những lợi ích của việc duy trì tiếng Việt và giúp con phát triển song ngữ,
Năm 2021, TS Trần Hồng Vân đã đề xuất sáng kiến sản xuất chương trình Cùng giữ tiếng Việt, phát sóng hàng tuần trên sóng đài SBS Việt ngữ. Thông qua những câu chuyện các gia đình, các bạn trẻ thế hệ thứ 2-3 ở Úc và các nước trên thế giới, chương trình đã lan tỏa tình yêu tiếng Việt. Đến nay chương trình đã sản xuất được gần 70 số, có những số thu hút hơn 10 nghìn thính giả, cao nhất trong các chương trình phát sóng bằng các ngôn ngữ cộng đồng của đài SBS.
Từ tháng 3/ 2023, Tiến sĩ Trần Hồng Vân đã thành lập Tổ chức thúc đẩy duy trì Ngôn ngữ và Văn hóa Việt có tên là VietSchool. VietSchool có 3 sứ mệnh chính: các lớp tiếng Việt sau giờ học (với phương châm dạy tiếng Việt hiện đại) cho học sinh các trường tiểu học tại khu vực Inner West, Sydney và các lớp tiếng Việt trực tuyến; Đọc sách cùng con, cung cấp 1 bộ truyện sách tiếng Việt và song ngữ cho 100 gia đình người Việt ở Úc, cùng video, tài liệu và seminar hướng dẫn cách đọc truyện với con để phát triển tư duy ngôn ngữ và kết nối với tiếng Việt; chương trình SuperSpeech, khóa huấn luyện các gia đình biết cách giúp con giữ tiếng Việt và phát triển song ngữ.
Ngoài công việc nghiên cứu và truyền thông về đề tài Duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài, TS Trần Hồng Vân cũng tham gia dạy tiếng Việt tinh nguyện ở trường Việt ngữ Inner West (2018-2019), trường Mẫu giáo Montessori (2018-2020) và mở lớp tiếng Việt miễn phí tại nhà cho các cháu nhỏ trong cộng đồng người Việt ở Croydon, Sydney.
“Tôi mong muốn thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt vẫn tiếp tục nói được tiếng Việt, duy trì văn hóa Việt ở nước ngoài. Các con có thêm một ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ nước sở tại; hiểu được cội nguồn, gốc rễ; có thêm sợi dây gắn kết với người thân ở quê nhà. Điều này cũng giúp cho tiếng nói của cộng đồng người Việt ở nước ngoài có sức thu hút hơn. Việc các cộng đồng gìn giữ được tiếng nói quê hương cũng góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cho các nước sở tại”, chị Trần Hồng Vân nói.