Người dẫn lối giúp bà con La Hủ xóa nghèo
Tiên phong đi đầu trong làm kinh tế, từ bỏ các hủ tục lạc hậu và đồng cảm sẻ chia với đồng bào quê mình, đảng viên Pờ Lò Hừ đã chiếm trọn niềm tin với dân bản. Để rồi giờ đây, đồng bào nghèo La Hủ nơi đại ngàn đầu nguồn sông Đà, thuộc xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã đẩy mạnh sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Từ tiếng gọi vang vọng đại ngàn của anh Pờ Lò Hừ, đàn trâu bò lũ lượt kéo về bãi đất trống trên núi. Mỗi nắm muối rắc ra là đàn bò lại về đông hơn.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó ở bản Chà Kế, hơn 10 tuổi cuộc sống du canh, du cư đã đưa gia đình Hừ đến với mảnh đất Pha Bu, cách quê hương hơn 60km. Tuổi thơ của Hừ cũng như bao người dân La Hủ khác nơi đây đều phải trải qua những tháng ngày rong ruổi theo bố mẹ, ông bà nay đây, mai đó qua các cánh rừng để mưu sinh. Quãng thời gian không ổn cư là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đói nghèo của đồng bào La Hủ cao nhất nhì trong 54 dân tộc trên cả nước.
Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn Pờ Lò Hừ đã trở thành tỷ phú đầu tiên trong đồng bào La Hủ nơi đại ngàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu. |
Anh Pờ Lò Hừ chia sẻ: "Các cụ thì mất sớm, rồi bố lại là con út khi đó vẫn còn nhỏ, không ở tại chỗ mà lại ở rải rác nên khó khăn rất nhiều. Du canh du cư đời sống rất vất vả, làm kinh tế cũng khó, với lại thức ăn cũng thiếu rất nhiều. Còn bây giờ đã thay đổi nhiều, ở tại chỗ và ổn định. Toi cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế, xong rồi bây giờ Nhà nước cũng giúp cho dân đường xá đi lại tốt, làm ăn cái gì cũng dễ hơn".
Trước những khó khăn về địa hình, thời tiết, xuất phát điểm thấp của gia đình cũng như dân tộc mình, là đảng viên, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, Pờ Lò Hừ đã mày mò tìm tòi, học hỏi để vực dậy kinh tế gia đình. Sau nhiều năm cần mẫn, đến nay ở vào tuổi 43 Hừ đã có trong tay tài sản hàng tỷ đồng, với đàn trâu bò hơn 100 con, hàng chục ha quế, sa nhân, thảo quả, sâm...
Theo anh Hử: "Từ khi vào Đảng, tôi càng ngày càng hiểu biết hơn, với sinh hoạt hàng tháng vừa tuyên truyền, vừa trao đổi, học hỏi giúp đỡ nhân dân càng ngày càng vui. Là Bí thư chi bộ, đầu tiên là phải biết gương mẫu cho nhân dân biết làm ăn kinh tế như chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, cây giá trị. Tôi không làm gương mẫu cho bà con nhân dân thì dân càng khó khăn. Không biết làm ăn, bà con không suy nghĩ được, đầu óc không thông".
Không chỉ lo riêng cho bản thân và anh em họ hàng, với trách nhiệm của người đảng viên, nhiều năm nay Pờ Lò Hừ còn giúp đỡ hàng trăm hộ dân trong bản, trong xã. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và việc làm thời vụ cho hơn 30 lao động, hàng năm các gia đình thiếu đói giáp hạt anh Hừ cho thóc, cho gạo; hộ không có vốn và kinh nghiệm làm ăn anh cho vay tiền không tính lãi, rồi hướng dẫn cách làm kinh tế. Ai thiếu gì, cần gì anh giúp đấy, giờ đây Hừ đã chiếm trọn niềm tin yêu của người dân quê mình.
Chị Ly Mò Nu, người dân ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ hồ hởi cho biết: "Nhờ Bí thư chi bộ Hừ giúp đỡ làm ăn, sau nhiều năm đói khổ, giờ đây gia đình mình đã thoát nghèo. Cuộc sống không còn khó khăn như trước nên các con mình cũng được cho theo học chữ tốt hơn. Không chỉ có gia đình nhà mình đâu,, mà nhiều hộ ở trong bản trong vùng cũng được giúp, nên cuộc sống đủ đầy hơn trước. Bà con trong bản đang rất vui".
Tuyên truyền, vận động và chia sẻ các làm kinh tế với dân, Bí thư chi bộ, trưởng bản Pờ Lò Hừ đã chiếm chọn niềm tin của người dân quê mình. |
Âm thầm tiên phong trong phát triển kinh tế vườn, đồi, rừng tại địa phương, nhiều năm qua ít ai biết rằng trong đồng bào La Hủ ở xã biên giới Pa Ủ lại có một “tỷ phú chân đất”. Từ mô hình kinh tế trang trại của bí thư chi bộ, trưởng bản Pha Bu Pờ Lò Hừ, đến nay ở xã Pa Ủ đã xuất hiện nhiều mô hình khác tại bản Thăm Pa, Nhú Ma, Ứ Ma, Xà Hồ, Mu Chi...
Nói về vai trò của đảng viên Pờ Lò Hừ tại cơ sở, ông Phạm Hồng Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: "Đối với những địa bàn khó khăn, đời sống bà con còn hạn chế trong nhận thức cũng như trình độ phát triển, những gương điển hình như thế này rất đáng trân trọng.
Các anh ấy vừa là người trực tiếp ở tại cơ sở, vừa là người trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có uy tín với nhân dân. Qua việc làm thực tế của các anh ấy đã tạo sức lan tỏa và là tấm gương để động viên và giúp đỡ, vận động bà con nhân dân địa phương học và làm theo, cũng giúp cho kinh tế - xã hội của xã từng bước được nâng lên".
Người dân La Hủ ở Pa Ủ từng một thời rong ruổi qua các cánh rừng để mưu sinh nên cuộc sống còn nhiều khó khăn và tỷ lệ đói nghèo còn cao. |
Xã Pa Ủ từng được biết đến là vùng lõi nghèo của tỉnh Lai Châu, khi có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 95%. Thế nhưng, nhờ những đảng viên tiên phong mở lối thoát nghèo như Pờ Lò Hừ, giờ đây tỷ lệ đói nghèo của địa phương đã giảm xuống còn hơn 77%.
Những việc làm vì dân đó đã được ghi nhận, khi gia đình anh là 1 trong 8 hộ có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025, sẽ xóa hết nhà ở tạm cho hộ nghèo Đây là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 197 tỉnh Quảng Trị tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Đề án "Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026” vừa qua. |
Quyền con người phải là trọng tâm của mọi chính sách về dân số Nhân dịp UNFPA công bố báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2023, ông Björn Andersson, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có bài viết với nhan đề "Quyền con người phải là trọng tâm của mọi chính sách về dân số". Tạp chí Thời Đại trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. |