Lai Châu: Ưu tiên xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cung cấp công cụ sản xuất cho người dân
Lai Châu là tỉnh biên giới với 20 dân tộc; trong đó có hơn 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Lai Châu đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất…
Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu khẳng định quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa thiết thực đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng khấm khá. (Ảnh: An Thạch) |
Gia đình bà Ly Mỳ Hừ, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Khi được Nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà Hừ đã trồng 2 sào ruộng lúa và chăn nuôi lợn, chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình bà Hừ khá hơn, mỗi năm thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng và thoát nghèo.
Cũng ươn lên thoát nghèo, gia đình ông Ly Hà Xá, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, trú tại xã Pa Vệ Sủ hiện nuôi 15 con lợn, gần 100 con ngan, gà và kết hợp thêm buôn bán hàng tạp hóa. Đến nay gia đình ông có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ông Xá chia sẻ, gia đình ông trước đây thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn.
Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo, nhưng nay do tiêu chí mới nên gia đình ông vẫn nằm trong diện hộ nghèo. Ông sẽ phấn đấu phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo.
Còn tại bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), anh Giàng A Dụ không khỏi xúc động khi kể về những đổi thay trong cuộc sống của gia đình khi được quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế. “Chúng tôi được hỗ trợ cây trồng, con giống và 50% chi phí mua các loại máy móc để phục vụ lao động sản xuất”.
Hiện nay, gia đình anh Dụ đang có hơn 300 gốc xoài và một số loại cây ăn quả khác. Bên cạnh đó, mỗi năm, gia đình anh thu hoạch khoảng 2 tấn ngô, vừa để bán, vừa để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn kết hợp buôn bán nhỏ để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống gia đình anh ngày càng khấm khá, thu nhập mỗi năm đạt khoảng 90-100 triệu.
“Nếu không có những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống cuộc sống của chúng tôi sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Như tôi còn phải nuôi bố mẹ già và có một người con gái không có khả năng lao động. Sự hỗ trợ đó đã tạo động lực, nền móng cho tôi có hướng phát triển, vươn lên để có cuộc sống ấm no”, anh Dụ bày tỏ.
Nỗ lực xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo số liệu thống kê, tổng số hộ nghèo hiện tại trên toàn tỉnh Lai Châu là 20.174 hộ, chiếm 20,12%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 19.956 hộ, chiếm 19,9%, số hộ tái nghèo 14.208 hộ, chiếm 28,77%.
Lực lượng chức năng tại địa phương luôn sẵn sàng có mặt giúp đỡ đồng bào trong cuộc sống. (Ảnh: An Thạch) |
Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền Lai Châu đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lan tỏa mô hình phát triển kinh tế. Hy động các hội như: Hội Nông dân xã, Hội phụ nữ hợp với các tổ chức chính trị trong huyện, xã tuyên truyền bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận dụng một số nguồn tín dụng từ quỹ hỗ trợ nhân dân của tỉnh, của huyện để hỗ trợ vốn cho bà con. Từ đó, nhiều hộ dân được vay vốn phát triển các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao.
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm mạnh, xuống còn 16,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,6%. Kết quả năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm xuống còn 16,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,1%.
Thu nhập của người dân tộc thiểu số hằng năm cũng có những cải thiện đáng kể. Số hộ dân tộc thiểu số thu nhập bình quân tăng từ 600.000 năm 2017 lên 635.000 năm 2019, trong khi đó tại các huyện nghèo hộ dân tộc thiểu số cũng có thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 600.000 đồng/tháng và đến nay là 635.000 đồng/tháng.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu kéo dài và tốn kém, trở thành gánh nặng đối với người dân, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội như: tục lệ ma chay, một đám ma còn rườm rà, tốn kém, gây ra gánh nặng cho các gia đình nghèo. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Trước những vấn đề này, tỉnh đề ra một số giải pháp như: Phát huy xu thế cạnh tranh lành mạnh trong các vùng và các làng dân tộc thiểu số. Khi thực hiện các chính sách, nhất là việc xây dựng nông thôn mới, nên ưu tiên làm trước và hỗ trợ thêm cho những làng, xã, thôn, bản… mà người dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường…
Trong giai đoạn 2021-2025, Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm. Theo đó, Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo.
Cùng với đó, tỉnh tập trung hỗ trợ cho những huyện nghèo, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; tăng cường hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bánh Kà tum - Nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer Kà tum là loại bánh nếp lâu đời và đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang. Bánh Kà tum mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc. Không chỉ ấn tượng bởi hình thức độc đáo của vỏ bánh bên ngoài, mà từ cách gói, cách ăn bánh Kà tum cũng rất cầu kỳ và thú vị. |
Ưu tiên tuyển lao động huyện nghèo đi Nhật Bản làm điều dưỡng, hộ lý Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… là những đối tượng ưu tiên được sang Nhật Bản làm điều dưỡng, hộ lý. |