Ngư dân khốn đốn vì giá dầu tăng kỷ lục
Chiều những ngày đầu tháng 7, tại Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng), một số con tàu lác đác trở về sau những chuyến đánh bắt dài ngày. Khi những người ngư dân bước chân lên bờ, điều dễ nhận thấy là nét mặt lo lắng, mệt mỏi hiện rõ trên từng gương mặt.
Tắt máy rồi vươn vai vặn người vài cái, ông Lê Văn Dương (Phường An Hải Tây - Quận Sơn Trà) bắt đầu lên cá cho vụ vừa rồi. Ông lẩm nhẩm tính toán sản lượng đánh bắt rồi ghi chép vào cuốn sổ nhỏ vẻ mặt lộ rõ sự ngán ngẩm.
“Xuống máy đo dầu xem còn bao nhiêu, gọi bà Thủy bảo chuyến này phải để giá 25 chứ lỗ quá”, ông Lê Văn Dương thúc giục gấp gáp. Sở dĩ có điều này vì chuyến ra biển vừa qua lỗ nặng. Công việc kiểm kê diễn ra khoảng 30 phút thì vội bị cắt ngang bởi một cuộc gọi. Lấy tạm chiếc điện thoại và ví tiền, ông vội lên bờ thanh toán số tiền dầu hơn 900 triệu động cho gần 30 ngày ra khơi đánh bắt.
Nét mặt lo lắng của ngư dẫn sau chuyến ra khơi trở về. |
Theo ghi nhận của phóng viên, cảng Thọ Quang Đà Nẵng có 1.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Với ngư dân, tiền dầu chiếm phần lớn chi phí mỗi chuyến ra khơi. Bởi vậy, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới từng chuyến ra khơi. Hiện tại, khoảng 70% số tàu ở đây trong tình trạng cầm bờ.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo ông Lê Văn Dương, chủ 2 tàu cá lớn có công suất tiêu thụ hơn 1000 lít dầu/ngày, sản lượng đánh bắt có xu hướng ngày càng giảm. Thời gian qua, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá các loại hải sản cũng ở mức thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Giá dầu lại tăng liên tục: Dầu diesel đã lên hơn 26.000 đồng/lít, ngư dân càng khó khăn hơn.
Cầm bờ từ đầu năm cho tới nay, nhưng trong buổi ra khơi đầu tiên 2 chiếc tàu công suất lớn của ông Dương đã chịu tình cảnh lỗ nặng do giá dầu tăng liên tục. Ông Dương cho biết: “Từ đầu năm không có cá nên tôi ở nhà chờ qua 3 tháng đầu năm. Trong chuyến đánh bắt đầu tiên, tôi đã lỗ hơn 10 triệu đồng khi trừ tất cả các chi phí".
Sản lượng khai thác đang cạn kiệt trong khi giá dầu tăng liên tục là điều khiến ngư dân lo lắng. |
Trong chuyến ra khơi vừa rồi, ông thu được khoảng 1,5 tỉ đồng. Nhưng với giá dầu hơn 26.000 đồng/lít, số tiền thu về từ chuyến đi biển vẫn không có lời. Theo tính toán của ông Dương: Trung bình nếu trước kia giá dầu thấp thì một lần ra khơi tiêu thụ hết 700 triệu đồng tiền dầu và đủ dư dả cho chi phí nhân công, thiết bị. Nhưng thời điểm hiện tại con số này đã tăng lên tới hơn 900 triệu đồng chưa kể các khoản tiền về công nhân, thiết bị cũng tăng. Nếu bù trừ tổng thể thì lỗ khoảng 10 triệu đồng.
Ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển phải đi xa hơn, dài ngày hơn, dẫn đến phí xăng dầu cũng đội lên. Ông Dương chia sẻ: “Đã ra khơi được gần 34 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình trạng khó khăn như hiện giờ. Giá dầu tăng liên tục trong khi đó sản lượng thu hoạch vẫn thế thì sớm muộn ông cũng phải tìm nghề khác để mưu sinh".
Éo le hơn là nếu trước kia mỗi chuyến đi biển về mới thanh toán cách chi phí thì giờ trả tiền dầu trước thì mới được bơm dầu do sợ những chủ tàu thua lỗ mà không có tiền trả dầu lại càng gây thêm áp lực với những người đang gồng mình như ông Dương.
Giá dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động khai thác thủy hải sản. |
Bà Hạnh, một chủ tàu cá lớn cũng hoạt động ở cảng Thọ An, cho biết: “ Giá dầu cao ngất ngưởng, Nhà nước không điều chỉnh hay có những phương án hợp lý thì ngư dân cũng đành bỏ nghề thôi, tiền hoạt động cũng đi vay của Nhà nước giờ giá dầu cao ngư dân nghỉ thì lấy đâu ra tiền để trả".
Thế chấp tài sản và vay vốn hơn 1 tỉ đồng nhưng chiếc tàu cá lớn đã nằm bến vì lỗ nặng ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên sau Tết. “Nếu như không đi, để thuyền nằm cảng thì lại hỏng hóc động cơ. Nằm cảng lâu, các tàu sẽ có hiện tượng nứt vách đầu do nước biển và các tạp chất ăn mòn gây nứt, vỡ và nặng hơn có thể hư hỏng phần mạn dưới. Từ đó lại tốn thêm chi phí bảo trì bảo dưỡng", bà Hạnh nói.
Bán tàu để mưu sinh
Bà Hạnh quan niệm, "làm biển có năm, nuôi tằm có lứa”, nhưng hơn 1 năm nay, giá dầu tăng liên tục khiến cho câu nói này cũng chẳng còn mấy ý nghĩa. Không riêng gì tàu lớn, ngay cả tàu nhỏ dù chi phí có thấp hơn nhưng sản lượng cũng thấp, nếu bù trừ vào thì vẫn lỗ.
"Bây giờ rất nhiều người bán tàu, họ bán và dẹp bớt tàu do không hiệu quả. Người có 2-3 chiếc thì bán dần. Cũng còn để lại 1 chiếc đi nhưng số đó rất ít. Do biển giã không có nên người ta bán bớt. Và cũng nên hạn chế bớt tàu thuyền, bởi lượng tàu thuyền thì nhiều mà lao động quá ít", bà Hạnh cho hay.
Với giá dầu như hiện giờ, bán thuyền chưa chắc có ai mua kể cả thuyền có đẹp mấy đi chăng nữa. Người mua họ cũng tính tới việc chi phí vận hành có thể độn lên ra sao, rồi so với sản lượng đánh bắt nên cũng chẳng có mấy người “mặn mà” với những chiếc tàu rao bán. Với giá hơn 1 tỉ đồng kèm cả ngư cụ hàng loạt con tàu công suất lớn hơn 1000 CV được rao mà chẳng mấy ai muốn mua.
Hàng loạt chiếc tàu công suất lớn đang phải cầm bờ hoặc chờ rao bán. |
Giá xăng dầu liên tiếp tăng đang là khó khăn rất cơ bản với ngư dân. Đặc biệt, đối với tỉnh có lợi thế phát triển ngành nghề đánh bắt, khai thác hải sản đang phải chịu tác động rất rõ.
Anh Nguyễn Văn Năm, một chủ tàu có 2 cặp tàu lưới cào đang cầm bờ cho hay: “Để ra khơi một cặp tàu 900 triệu - 1 tỉ đồng cho một chuyến biển. Ngoài ra, vay ngân hàng đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá còn phải trả lãi hằng tháng và những khoản chi phí khác. Mấy tháng nay rồi, tàu cá của tôi neo tại bến vì thua lỗ nặng, chưa trả được nợ và chưa biết khi nào trở ra biển”.
Để có tiền duy trì bảo dưỡng tàu khi nằm cảng anh phải tìm các công việc khác để làm. “Từ chủ tàu mà giờ mình lại phải làm thuê cho tàu khác để nuôi sống tàu, thật buồn thay”, anh Năm chia sẻ.
Nhiều người phải chọn công việc khác để mưu sinh. |
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng kiến nghị: “Tuy giá xăng dầu tăng theo thế giới, nhưng Nhà nước có thể miễn giảm các khoản thuế phí với xăng dầu. Ví dụ như tàu cá hoạt động trên biển, không gây ô nhiễm mỗi trường trong nước nên có thể miễn thuế môi trường cho tàu thuyền hoạt động thủy sản. Nhiên liệu là mặt hàng cần thiết chứ không phải là mặt hàng xa xỉ nên cũng cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cũng cho biết: “Đảm bảo cân đối cung cầu bình ổn giá cả mặt hàng thiết yếu nhất là giá xăng dầu, Chính phủ đang hỗ trợ giá xăng dầu cho các đối tượng đặc thù”.
Được biết, Chính phủ cũng đang giao các cơ quan cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh những vấn đề về giá, thuế. Quốc hội cũng nêu rõ việc các bộ ngành tính toán kỹ khi điều chỉnh giá, phải điều chỉnh theo lộ trình, tăng cường kiểm tra giám sát về giá niêm yết giá, xử lý các trường hợp găm hàng tăng giá, có chính sách hỗ trợ các đối tượng đặc thù, yếu thế khi giá tăng cao, nhất là giá sách giáo khoa và giá xăng dầu.
Chủ khó - thợ càng khó hơn Với tình cảnh như hiện tại, 15 triệu đồng là số tiền Anh Quang - một thuyền viên ở Đà Nẵng - nhận được từ Tết tới giờ cho những lần ra khơi thua lỗ. Chi phí hoạt động khó khăn cũng từ đó khiến lương của anh em thuyền viên bị ảnh hưởng. Nếu như ngày trước mỗi ngày ra khơi được 500.000 đồng thì hiện tại chỉ còn 350.000 đồng/ngày. Thông thường như trước kia sẽ ăn theo phần trăm sản lượng thu được mỗi chuyến đánh bắt, được nhiều thì ăn nhiều được ít thì ăn ít. Nhưng giờ khoán công theo ngày/tháng, thu nhập cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều do chỉ ra khơi được ngắn ngày và sản lượng ít. |