Ngôi nhà ấm áp của học sinh, sinh viên Lào tại Việt Nam
Nặng lòng 2 tiếng Việt-Lào
Trong ngôi nhà nhỏ đường Lê Trọng Tấn (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), một nhóm người đang quây quần trong gian bếp ấm cúng, rộn rã tiếng cười, nói. Đó là lúc 3 cô con gái người Lào đang được mẹ Việt là bà Trần Thị Lan Thành dạy cách làm bánh xèo, nem rán, những món ăn truyền thống quen thuộc của người Đà Nẵng.
Cũng đã được 1 tuần kể từ ngày 3 cô con gái người Lào theo học tại TP. Đà Nẵng, về ở với "ba mẹ" Việt theo chương trình homestay, được sống cùng nhà với gia đình Việt, cùng chia sẻ học hỏi giao lưu những phong tục, món ăn, thói quen của người Việt Nam.
Bà Trần Thị Lan Thành cho biết, gia đình neo người, lại không có con gái nên rất vui mừng khi tham gia chương trình nhận nuôi học sinh Lào và tiếp nhận 3 cô gái Lào đến ở gia đình.
"Tôi xem các cháu như con trong gia đình. Hằng ngày cùng các con vào bếp, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện. Chúng tôi cũng đặt tên Việt cho các con, lấy họ Nguyễn là họ của ba", bà Thành chia sẻ.
Bà Thành cho hay: "Trước kia, bố tôi là bộ đội từng tham gia chiến đấu tại Lào, đã được một mẹ nuôi người Lào cưu mang tận tình những lúc ốm đau, sốt rét. Thế nên tình cảm đối với người Lào trong tôi rất sâu đậm. Đây là lần thứ 2 gia đình nhận nuôi sinh viên Lào, năm ngoái khi biết tin có chương trình đã đăng ký ngay và cảm thấy như cuộc đời đã giúp tôi trả nợ ân tình đối với đất nước Lào thân thương".
Em Xaisomphou Khaikeo (tên Việt Nam là Ngọc Lan), chia sẻ: "Những ngày ở với ba mẹ, mẹ hướng dẫn cho làm nhiều món Việt truyền thống và sau vài ngày em đã biết tự tay nấu nhiều món ăn Việt. Mỗi ngày, chúng em cũng được các anh chị Đoàn Thanh niên hoặc ba đưa đón đi học. Rồi còn được dẫn đi thăm hàng xóm, được tặng quà, áo dài truyền thống người Việt Nam".
Xaisomphou Khaikeo cho biết, đến Việt Nam theo học và có khoảng thời gian được ở cùng với gia đình người Việt thực sự rất có ý nghĩa. Xa nhà nhưng học sinh, sinh viên Lào cảm nhận được tình cảm đầm ấm của các cô chú, ba mẹ Việt Nam và hiểu sâu sắc hơn về phong tục tập quán Việt Nam.
Ba cô gái người Lào đến ở tại gia đình bà Trần Thị LanThành đang là sinh viên năm 3-4 của các khoa tài chính ngân hàng và Marketing của trường Đại học Duy Tân. Tại chương trình homestay, các em được ở cùng gia đình ba mẹ Việt trong 2 tuần, mỗi em sẽ được bố trí phòng riêng để sinh hoạt cá nhân và cùng sử dụng không gian chung với gia đình.
Kết thúc chương trình, các em sẽ quay trở lại ký túc xá của trường đại học.
"Ngôi nhà thứ 2" của các em học sinh Lào xa quê hương
Tại TP. Đà Nẵng, chương trình "Ở nhà dân" được triển khai từ năm 2011 do Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán CHDCND Lào tại Đà Nẵng, các trường học liên quan và các quận trên địa bàn thành phố tổ chức dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Chương trình đã trở thành điểm sáng và là mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Hàng năm, trung bình có khoảng gần 100 em sinh viên Lào tham gia chương trình homestay tại Đà Nẵng, qua đó rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào đã được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.
Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, mỗi em sẽ được bố trí phòng riêng để sinh hoạt cá nhân và cùng sử dụng không gian chung với gia đình - là những người bố, người mẹ thứ 2 tại đây.
Các em có thể tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam, đồng thời chia sẻ những văn hóa, phong tục của Lào đến với các gia đình Việt Nam.
Năm 2023, chương trình bố trí 148 em sinh viên Lào vào ở, học tập, sinh sống tại nhà các hộ dân trên địa bàn các quận trên địa bàn TP. Đà Nẵng và chùa Tam Bảo trong thời gian 2 tuần (từ ngày 26/11 đến hết ngày 10/12).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, chương trình "Ở nhà dân" dành cho sinh viên Lào là một hoạt động thiết thực, quan trọng của thành phố, giúp các em sinh viên Lào trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Việt và khả năng hoà nhập cuộc sống của người Việt Nam, qua đó tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
"Đây sẽ là quãng thời gian vô cùng quý báu và ý nghĩa đối với các em. Các em sẽ có thêm một gia đình thứ hai trong suốt thời gian học tập ở thành phố này và kể cả sau khi trở về Tổ quốc, tình cảm gia đình đặc biệt ấy sẽ mãi mãi theo các em suốt cuộc đời", ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.
Với vai trò là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố trong những năm qua đã trực tiếp vận động được hàng chục tỷ đồng học bổng dành cho sinh viên Lào theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố; duy trì hợp tác và ghi nhớ với 7 địa phương của Lào như: Thủ đô Vientiane, tỉnh Xaynhaburi, Savannakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu.
Giai đoạn 2023 - 2027, thành phố tiếp tục duy trì chương trình học bổng cho cán bộ, lưu học sinh Lào, bao gồm các bậc nghiên cứu sinh, cao học, đại học; thống nhất tiêu chuẩn tiếp nhận, thông báo các ngành học, thời gian nhập học, thủ tục nhập học, kinh phí, ký túc xá, đón tiếp, hỗ trợ học viên,… để thông báo cho các tỉnh nhằm tuyển chọn và triển khai hiệu quả, chất lượng chương trình này; triển khai chương trình hợp tác dạy tiếng Việt và hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm tiếng Việt tại 5 tỉnh Nam, Trung Lào.
Lưu học sinh Lào Trường Đại học Hạ Long nhận chứng chỉ tiếng Việt
Sang Việt Nam, chúng em đã được học tiếng Việt, được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Trường Đại học Hạ Long... Đó là chia sẻ của nhiều lưu học sinh Lào khóa 11 của Trường Đại học Hạ Long tại lễ trao chứng chỉ tiếng Việt diễn ra ngày 18/8 tại tỉnh Quảng Ninh.
|
Gìn giữ và phát triển hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào
Ngày 14/9/2023, trong buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển ngày càng gắn bó, bền chặt và hiệu quả của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trong đó có những đóng góp tích cực của Đại sứ.
|