Nghịch lý ngành phân bón: Sản xuất dư thừa, nhập siêu vẫn tăng mạnh
Ảnh minh họa |
Nửa đầu năm 2024, nhập siêu phân bón gần 1,6 triệu tấn, tương đương 441,340 triệu USD
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, nhập khẩu phân bón đạt 240.302 tấn, trị giá 83,616 triệu USD. Lũy kế, từ đầu năm đến ngày 15/6, nhập khẩu phân bón đạt 2,369 triệu tấn, trị giá 767,511 triệu USD. Trong đó, phân ure đạt 134,068 ngàn tấn, trị giá 46,052 triệu USD.
Ở chiều xuất khẩu, trong nửa đầu tháng 6, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 64,370 ngàn tấn phân bón, trị giá 28,746 triệu USD. Lũy kế, từ đầu năm đến 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 793,544 ngàn tấn, mang về 326,170 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 6,87% về lượng và tăng 5,24% về kim ngạch.
Cân đối số liệu giữa nhập khẩu và xuất khẩu phân bón trong nửa đầu năm 2024, cho thấy lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam đã vượt con số xuất khẩu đến 1,575 triệu tấn, tương đương 441,341 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 2,14 lần về lượng và tăng 1,98 lần về kim ngạch.
Trong 5 tháng đầu năm, giá nhập khẩu trung bình đạt 321,4 USD/tấn, tăng 64,6% về lượng và tăng 48,8% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 39,8% tổng lượng và chiếm 33,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 845,258 ngàn tấn, tương đương 230,45 triệu USD, giá trung bình 272,6 USD/tấn, tăng 33,7% về lượng và tăng 10% về kim ngạch, nhưng giảm 17,7% về giá so với cùng kỳ.
Thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 15,8% tổng lượng và chiếm 22,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, giá trung bình 453,8 USD/tấn, tăng 453,6% về lượng, tăng 371,7% về kim ngạch nhưng giảm 14,8% về giá so với cùng kỳ.
Nhập khẩu phân bón từ Lào đạt 141,887 ngàn tấn, tương đương 37,61 triệu USD, tăng 66,6% về lượng, tăng 11,7% kim ngạch so với cùng kỳ.
Nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm nay nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp phân bón kỳ vọng Luật thuế VAT sớm hoàn thiện
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu phân bón tăng 6,87% về lượng và tăng 5,24% về kim ngạch so với cùng kỳ. Đạt được kết quả này phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Song, thuế xuất khẩu 5% khiến doanh nghiệp phân bón khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu. PVCFC vẫn mở rộng xuất khẩu đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón, góp phần gia tăng doanh thu. Đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt tại 18 quốc gia trên thế giới, trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.
Nhận diện những thách thức với bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu, giá phân bón vẫn đang trong vùng trũng và dự báo đi ngang, nhu cầu phân bón trong nước tiếp tục giảm, năm 2024, PVCFC trình cổ đông kế hoạch chỉ tiêu chính tiêu thụ urê: 749 ngàn tấn. Đạm chức năng: 110.000 ngàn tấn, NPK: 180.000 tấn, tự doanh: 248.000 tấn, doanh thu hợp nhất 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế: 794,8 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội Cổ đông Thường niên của PVCFC, ông Bùi Minh Tiến - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trong bối cảnh thị trường biến động nhanh và khó lường, tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá phân bón giảm sâu, PVCFC đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm urê, nhà máy vận hành ổn định, an toàn ở công suất cao. Tập đoàn đánh giá PVCFC đã sớm áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong định hướng phát triển doanh nghiệp.
“Công ty cần phát huy toàn lực hệ thống, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển. Về công tác quản trị đặc biệt là rủi ro PVCFC cần giám sát và phòng ngừa rủi ro. Hy vọng Luật thế VAT sớm hoàn thiện tạo điều kiện cho những doanh nghiệp uy tín như PVCFC ngày một phát triển bền vững hơn, thịnh vượng hơn”, ông Tiến nhấn mạnh.