PVCFC: Giữ vững thị phần trong nước, tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu
Phân bón Cà Mau nỗ lực khai thác triệt để xuất khẩu |
Hiện nay, chỉ tính riêng phân Urê, tổng công suất thiết kế của các nhà máy trong nước đạt trên 2,3 triệu tấn cao hơn nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, hai nước có năng lực sản xuất lớn là Trung Quốc và Nga đã mở cửa trở lại, nhu cầu trong nước thấp khiến nguồn cung thêm dư thừa. Điều này đặt doanh nghiệp ngành phân bón trước những thách thức về khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Xuất khẩu phân bón 5 tháng đầu năm giảm cả lượng lẫn kim ngạch
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2023, xuất khẩu phân bón đạt 154.995 tấn, trị giá gần 57 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 17,4% về kim ngạch so với tháng trước.
Cộng dồn 5 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt 92.259 tấn, trị giá 289,07 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 42,0% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam xuất khẩu phân bón chủ yếu sang thị trường khối ASEAN, gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, …
Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu chủ lực với lượng phân bón xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt 76.236 tấn, trị giá gần 30 triệu USD, so với tháng 5/2022 tăng 16,30% về lượng nhưng giảm 22,37% về kim ngạch, do giá xuất khẩu giảm. Cộng dồn 5 tháng đầu năm đạt 227.708 tấn, với kim ngạch 95,469 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 8% về lượng nhưng giảm 19,16% về kim ngạch.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu phân bón sang thị trường lớn thứ hai Malaysia đạt 45.552 tấn, trị giá 15,227 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 44,27% về lượng và giảm 59,74% về kim ngạch.
Đứng thứ ba là thị trường Lào với lượng phân bón xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 23.246 tấn, trị giá 8,758 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 25,93% về lượng và giảm 48,66% về giá trị.
Myanmar là thị trường lớn thứ tư với lượng phân bón xuất khẩu trong 5 tháng qua đạt 20.296 tấn, với kim ngạch 11,689 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 23,4% về lượng và giảm 36,08% về trị giá.
Thứ năm là thị trường Philippines với lượng xuất khẩu phân bón 5 tháng đạt 14.159 tấn, trị giá 8,099 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 54% về lượng và giảm 66,67% về trị giá. Cuối cùng là thị trường Thái Lan với khối lượng xuất khẩu đạt 9.418 tấn, trị giá 4,387 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 44,15% về lượng và giảm 70,21% về kim ngạch.
Giữ vững thị phần trong nước, tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu
Trong bối cảnh xuất khẩu phân bón sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm, đặt doanh nghiệp phân bón vào những thách thức về khả năng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ chủ động, linh hoạt sáng tạo trong điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn với mục tiêu giữ vững thị phần trong nước và tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu.
Các kế hoạch tập trung tiêu thụ sản phẩm do công ty sản xuất tại các thị trường mục tiêu trong nước Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và thị trường xuất khẩu trọng điểm Campuchia đã được triển khai và mang lại hiệu quả. Hệ thống phân phối của doanh nghiệp được duy trì ổn định, sản phẩm ra thị trường đều đặn tạo cơ hội cho bà con tiếp cận với NPK Cà Mau chất lượng cao.
Sự linh hoạt trong điều hành của ban lãnh đạo giúp Phân bón Cà Mau vượt khó |
Ngoài ra, PVCFC cũng tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh với hệ thống DMS, chia sẻ thông tin nông nghiệp hữu ích trên ứng dụng 2Nong. Thực hiện thành công các chương trình xúc tiến bán hàng như “Mùa Vàng Thắng Lớn”, “Bí Kíp Vàng”, truyền thông kịp tới nông dân, từ đó tăng lượng khách hàng trung thành và duy trì được giá trị thương hiệu.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ 05 tháng đầu năm 2023 đạt 385 nghìn tấn phân bón, vượt 28% so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 05/2023 đã tiêu thụ 92 nghìn tấn, vượt 41% so với kế hoạch. Trước đó, năm 2022 Phân bón Cà Mau cũng đạt thành tích sản xuất kinh doanh ấn tượng khi tổng doanh thu lên đến 16.240,76 tỷ đồng, thực hiện 112% so với kế hoạch, vượt mức doanh thu mục tiêu trong năm 2025 (15.000 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4321,08 tỷ đồng, thực hiện 118% kế hoạch, tăng 137% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, hơn 400.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng sản xuất của PVCFC
Năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của Phân bón Cà Mau đạt mức kỷ lục, hơn 400.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng sản xuất của doanh nghiệp. Đây là một thành tích đáng tự hào, cho thấy năng lực và nỗ lực của tập thể PVCFC.
Tính đến hết quý I/2023, doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn phân bón. Việc nhanh nhạy nắm bắt cơ hội xuất khẩu đã giúp công ty giảm tồn kho, mang lại doanh thu tốt, đứng vững trước những biến động trên thị trường.
Luôn linh hoạt điều chỉnh kế hoạch theo tình hình thị trường, duy trì nhà máy sản xuất an toàn ổn định, tiết giảm chi phí tối ưu; chú trọng chiều sâu ở công tác quản trị và kiểm soát rủi ro là mục tiêu điều hành đã được Ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau xác định.
Khó khăn vẫn chưa qua và ngành phân bón sẽ còn nhiều áp lực. Song, với tâm thế luôn chủ động ứng phó, thay đổi để phát triển, Phân bón Cà Mau tập trung nguồn lực sẵn sàng cho những bước đi vững chắc và hiệu quả, trong đó mảng xuất khẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Supe Lâm Thao: Tổng sản lượng phân bón sản xuất quý I/2021 vượt kế hoạch, đạt 235.937 tấn Trong quý I/2021, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe Lâm Thao) có tổng sản lượng phân bón sản xuất đạt 235.937 tấn, bằng 110% so với kế hoạch quý, tăng 130% so với cùng kỳ… |
Dự báo lợi nhuận quý 1/2023: Đa phần ngân hàng có lãi, nhóm thép, phân bón tăng trưởng âm Theo dự báo của SSI Research, trong quý 1/2023, ACB, ACV, BID, CTG, CTR, DBD, FPT, HDB, STB, VRE... khả năng tăng trưởng lợi nhuận dương trong khi BSR, DCM, DGW, DPM, FRT, GAS, HAH, HPG, HSG, QTP... có thể tăng trưởng lợi nhuận âm. |