Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021: Thể hiện sức sống mãnh liệt của mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình quảng bá quốc gia thường niên Ngày Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp tổ chức từ năm 2010. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, ngày 11/10/1971, Việt Nam và Thuỵ Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này đưa Thuỵ Sĩ trở thành một trong số nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ đã hình thành từ trước đó, dần được vun đắp theo thời gian, cùng nhiều sự kiện quan trọng mà nổi bật là việc Thuỵ Sĩ chứng nhân cho Hiệp định Geneva lịch sử được ký kết vào ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị lâu dài và sống động đó là nền tảng vững chắc để Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng xây đắp, phát triển, đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực bao gồm: chính trị, ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật - giáo dục, văn hoá và giao lưu nhân dân...
"Tình cảm và sự tin tưởng lẫn nhau của hai nước được thể hiện qua việc rất nhiều trí thức Việt Nam đã học tập và trưởng thành tại Thuỵ Sĩ, cộng đồng người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ hoạt động tốt và được chính quyền sở tại đánh giá cao" - ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan phát biểu tại sự kiện. |
Trong thông điệp tại Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho rằng đây là sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên được tổ chức theo phương thức trực tuyến là minh chứng sống động của tinh thần đổi mới sáng tạo trong triển khai ngoại giao văn hóa thời kỳ đại dịch COVID-19, một hành động biến thách thức thành cơ hội nhằm duy trì nhịp cầu kết nối đầy ý nghĩa, thể hiện sức sống mãnh liệt của mối quan hệ hữu nghị lâu dài và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Thụy Sĩ đã có những bước tiến vững chắc trên tất cả các mặt từ chính trị-ngoại giao, thương mại đầu tư, hợp tác phát triển, văn hoá-giáo dục trong suốt 50 năm qua.
Hai nước còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo TTXVN, tham gia chương trình từ đầu cầu Bern, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam cho biết quan hệ nhân dân giữa hai nước được hình thành từ rất sớm khi các doanh nhân của Thụy Sĩ đến làm ăn, thành lập công ty tại Việt Nam thời Pháp thuộc. Mối quan hệ này ngày càng gần gũi hơn khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 1982, Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam được thành lập, đã góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ nhân dân và thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên. Thời gian đầu Hội tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác về đất nước Việt Nam bị cô lập và thúc đẩy tình hữu nghị giữa người Thụy Sĩ và nhân dân Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển và củng cố quan hệ của các cơ quan công quyền Thụy Sĩ với Việt Nam trên bình diện văn hóa, kinh tế và chính trị trên cơ sở chung sống hòa bình. Đồng thời thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam thông qua việc huy động sự đóng góp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân Việt Nam và giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả do 30 chiến tranh của Mỹ để lại.
Các khách mời tham gia chương trình từ đầu cầu Bern. |
Chia sẻ tại chương trình, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler - người Đức, gốc Việt hiện đang sinh sống làm việc tại Thụy Sĩ - cam kết sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ - Đức, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu.
Ông Philipp Rosler, cho rằng việc được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ là vinh dự to lớn, là nghĩa vụ và cơ hội được tri ân đất nước nơi ông được sinh ra. Hơn thế nữa, ông coi đây là số phận của mình. Về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu là Việt Nam có lực lượng lao động cần cù, có kỹ năng, được đào tạo bài bản và đó là động lực cho nền kinh tế. Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và những điểm tương đồng thì Việt Nam luôn là nơi tốt nhất để đầu tư bởi chính lực lượng lao động này.
Nhận định về tiềm năng hợp tác Việt nam Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học Công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số - một điểm sáng được kỳ vọng trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới, ông Lưu Vĩnh Toàn - Chủ tịch Hội trí thức, chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ cho rằng Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ bổ sung cho nhau rất tốt trong hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo ông Toàn, hai nước hoàn toàn có thể hỗ trợ bổ sung cho nhau về nguồn nhân lực và ứng dụng thực tiễn. Có thể nói một cách ngắn gọn: Thụy Sĩ là chất lượng, Việt Nam là số lượng. Và cả hai cùng một mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững và đều có năng lực thực hiện.
Ông Toàn tin tưởng rằng hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ trở thành đối tác chiến lược tin cậy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tham gia chương trình còn có nhiều vị khách mời như ông Yannick Roulin - Phó Trưởng Phái đoàn Thụy Sĩ tại Geneve, ông Jacques Jeannerat - nguyên Giám đốc Phòng Thương mại, công nghiệp và dịch vụ bang Geneva, ông Felix Urech - Giáo sư Đại học Geneva về quản trị kinh doanh và là Giám đốc điều hành Enrich Company, bà Micheline Leuteurt - phu nhân của cựu Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Jürg Leutert (1995 - 2000)... Các khách mời bày tỏ ấn tượng hết sức tốt đẹp, đánh giá cao Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ đã được tổ chức sáng tạo, công phu, truyền tải nhiều thông điệp đầy ý nghĩa.
Thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, những thước phim ấn tượng và nhiều chia sẻ thú vị của các khách mời, Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 không chỉ giới thiệu về mối quan hệ hữu nghị, sống động giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong 50 năm qua, mà còn được tìm hiểu về cảnh đẹp đặc trưng, văn hóa, con người của hai nước để có những trải nghiệm chân thực và thú vị. Đây cũng là dịp để nhân dân hai nước chia sẻ, kết nối nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10/1971-10/2021).