Ngày 7/2: học sinh nhiều tỉnh, thành trở lại trường học trực tiếp
Hà Nội: học sinh lớp 1-6 ở 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ 10/2 Chiều 5/2, Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin, UBND TP đã phê duyệt đề xuất cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp tại trường từ 10/2. Các khối lớp này ở 12 quận nội thành học online. |
Còn 3 tỉnh, thành phố chưa "chốt" cho học sinh tiểu học đến trường Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn ba địa phương là Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai đã lên kế hoạch đưa trẻ mầm non và học sinh tiểu học quay lại trường học nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể. |
Tại Bến Tre, học sinh cấp THCS, THPT, GDTX bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2. Học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ 14/2. Trẻ mầm non bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần đáp ứng nhu cầu và sự tự nguyện gửi trẻ của phụ huynh.
Từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại địa phương có cấp độ 1 và cấp độ 2 ở Bình Phước đến trường trong khi địa bàn cấp độ 3, nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp từ ngày 14/2.
Với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh từ lớp 1-6 ở địa phương cấp độ 1, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 14/2.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh cho biết, sau Tết Nguyên đán, học sinh các cấp sẽ từng bước trở lại trường. Việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp được chia thành 6 tuần và theo từng khối lớp cụ thể. Thời gian bắt đầu từ ngày 7/2.
Trong thời gian tập trung học sinh, các trường không tổ chức ăn bán trú, không tổ chức các hoạt động tập thể và các hoạt động của canteen nhà trường.
Sau ngày 19/3, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu sẽ có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức nuôi dạy, giáo dục và ăn bán trú cho học sinh.
Đối với trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, khi thực hiện lịch học trực tiếp ở khối lớp nào, học sinh khối lớp đó được ở nội trú trong ký túc xá và ăn tại bếp ăn tập thể trong trường.
Tại Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ngãi, học sinh từ lớp 6-7 đến lớp 12 đi học tập trung từ ngày 7/2. Một tuần sau, trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 trở lại trường.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đã thống nhất phương án dạy và học trực tiếp sau Tết Nguyên đán theo đề xuất của sở GD&ĐT. Theo đó, từ 7/2, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 học trực tiếp, cấp tiểu học tiếp tục học trực tuyến. Với bậc mầm non, các cơ sở giáo dục tham khảo ý kiến phụ huynh thống nhất sẽ tổ chức đón, nhận trẻ đi học.
Tại Đồng Tháp, sau khi rút kinh nghiệm từ việc cho học sinh lớp 9 và 12 chuyển sang học trực tiếp, sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường tiếp tục chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để đón học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Theo công văn Sở GD&ĐT Hậu Giang vừa ban hành, học sinh khối THPT tại các trường THPT, trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị, thành phố đi học trực tiếp vào ngày 7/2, thay vì chỉ khối lớp 12 trở lại trường như công văn trước đó.
Từ ngày 14/2, các trường tổ chức cho tất cả học sinh các cấp học còn lại, bao gồm cả cấp học mầm non, tiểu học và THCS trong toàn tỉnh, thay vì chỉ học sinh từ khối lớp 6 trở lên trở lại học tập trung như thông báo trước đó.
Quảng Ngãi quy định với địa bàn phân loại dịch cấp độ 1, cấp độ 2, các trường tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên.
Đối với địa bàn phân loại dịch cấp độ 3, trường dạy học trực tiếp đối với học sinh THCS, THPT và giáo dục thường xuyên; dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học; gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà đối với trẻ em mầm non, mẫu giáo.
Với địa bàn phân loại dịch cấp độ 4, trường dạy học trực tuyến đối với bậc THPT, THCS, tiểu học và giáo dục thường xuyên; gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà đối với trẻ em mầm non, mẫu giáo.
Trường hợp được tổ chức dạy học trực tiếp, học sinh THCS, THPT và giáo dục thường xuyên đến lớp từ ngày 7/2; bậc mầm non và tiểu học bắt đầu thực hiện từ ngày 14/2.
Tại Tiền Giang, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn đi học từ ngày 7/2. Học sinh đến trường học trực tiếp phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng, được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Vẫn bề bộn nỗi lo...
Tại Hà Nội, nhiều trường đang rốt ráo chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học sau thời gian dài học online. Theo kế hoạch chung của toàn thành phố, ngày 8/2, tất cả học sinh khối 7- 8-9 các trường sẽ đi học trở lại. Những ngày qua, nhà trường đã khẩn trương xây dựng lại thời khóa biểu, vệ sinh trường lớp, rà soát số học sinh sẽ không thể đi học trực tiếp để bố trí dạy kết hợp, đặc biệt là chuẩn bị phương án đón học sinh.
Từ tối mồng 5 Tết, để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, giáo viên nhiều trường đã họp bàn công tác chuẩn bị, phân công, giao nhiệm vụ; từ ngày mùng 6 Tết thì tập trung giáo viên để chuẩn bị, diễn tập công tác đón học sinh, xử lý tình huống khi có các trường hợp mắc Covid-19. Nhà trường cũng tính đến cả việc sẽ có những học sinh vẫn đang trong diện F0, F1 và phải học ở nhà.
Dù cho phép tất cả học sinh các khối lớp của 18 huyện, thị xã (trừ mầm non) đi học trực tiếp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán (trong đó học sinh từ khối 7 trở lên sẽ trở lại trường vào ngày 8/2; học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường vào ngày 10/2), song Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, 2. Các địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 vẫn tổ chức dạy học trực tuyến. Đối với các trường đã tổ chức dạy học trực tiếp, nhưng có một số học sinh ở vùng cấp độ 3, 4 thì nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy trực tuyến cho các em. |
Hiệu trưởng một trường THCS ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho hay: “Nếu như trước đây chỉ khối 9 đi học thì chúng tôi còn bố trí được việc mỗi lớp cách nhau một phòng học. Nhưng giờ đây cho toàn bộ học sinh trở lại như thế này thì chịu rồi, coi như là chấp nhận miễn dịch cộng đồng. Bởi trường không còn thừa phòng học hay diện tích nữa”.
Vị hiệu trưởng này cho hay, để hạn chế phần nào, nhà trường đang tính đến việc sẽ bố trí cho các lớp ra chơi trong lớp, không ra sân trường chung; không tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung diện rộng.
Trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cho biết, nhà trường cũng đã tổ chức diễn tập việc đón học sinh trở lại.
“Nhà trường đã lắp thêm 4 máy đo nhiệt độ tự động bởi việc cầm tay đo thì khoảng cách có thể vẫn chưa đảm bảo an toàn cho các giáo viên. Đợt này, chúng tôi cũng lắp thêm camera và thiết bị đường truyền, wifi để đảm bảo những học sinh nào ở nhà (F0,F1, vùng dịch cấp độ 3) vẫn có thể học cùng diễn tiến các bạn trên lớp”, ông Hảo nói.
Theo ông Hảo, học sinh trở lại là điều thầy cô rất vui nhưng cũng có những nỗi lo nhất định, bởi nguy cơ dịch vẫn tiềm ẩn, trường học là nơi đông học sinh. “Nhà trường chỉ có 1 nhân viên y tế, phòng cách ly cũng có bố trí song cũng rất lo những trường hợp F0 không triệu chứng và hoàn toàn có thể lây lan dịch bệnh trong trường. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo thầy trò luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình đi đến và học tập tại trường”.
Ông Hảo cũng cho hay, nhà trường cũng yêu cầu học sinh luôn đề cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, đảm bảo 5K, không tụ tập đông người, mỗi học sinh chuẩn bị một chai nước riêng.
Hà Nội chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các trường học trên địa bàn TP đã và đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc cuối cùng trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học. |
Dự kiến học sinh trở lại trường chậm nhất vào ngày 14/2 Chiều 24/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học và phương án, kế hoạch, lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả. |