Ngành thủy sản quyết tâm lấy lại "thẻ xanh" - khó vẫn phải làm
Ngư dân Nghệ An tập kết hải sản vừa đánh bắt. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có kế hoạch hành động quốc gia, nhưng để phát huy hiệu quả rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân.
Chuyển biến từ ý thức
Sau sự cố Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng", từ chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những hành vi khai thác bất hợp pháp trên biển với quyết tâm sớm khôi phục “thẻ xanh” tại thị trường EU - nơi đang nhập khẩu hải sản của Việt Nam với mức từ 350-400 triệu USD/năm.
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm qua các địa phương, chủ tàu luôn ý thức chấp hành nghiêm Luật Thủy sản Việt Nam và quốc tế; khai thác, đánh bắt không vi phạm vùng biển, chấp hành tốt quy định của pháp luật. Từ đó, nhận thức của ngư dân khi hoạt động trên biển đã có sự thay đổi, tình trạng vi phạm pháp luật giảm.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hoạt động khai thác thủy sản của Bạc Liêu có mức tăng trưởng khá thời gian qua. Năng lực phương tiện khai thác đã chuyển dịch theo hướng trang bị tàu cá có công suất lớn. Cơ cấu nghề nghiệp đánh bắt chuyển sang các nghề khai thác khơi, đa nghề, đẩy mạnh khai thác thủy sản xuất khẩu…
Phần lớn chủ tàu cá tham gia hoạt động sản xuất trên biển đúng theo tinh thần, chủ trương, quy định của pháp luật, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời là những tuyên truyền viên góp phần cùng chính quyền, địa phương hướng dẫn ngư dân làm ăn chân chính, hợp pháp, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiên phong trong công tác này là ông Lê Văn Hiệp (thành phố Bạc Liêu). Gia đình ông Hiệp có sáu tàu công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ. Mỗi khi ra khơi, ông đều quán triệt chủ trương, pháp luật cho tài công, ngư phủ nắm rõ vị trí, vùng biển; tuyệt đối đánh bắt không vi phạm vùng biển nước bạn, tránh vi phạm pháp luật trong và ngoài nước.
Cùng suy nghĩ đó, chủ tàu cá Liêu Văn Lợi ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, gia đình ông có năm tàu gồm một tàu đánh bắt và bốn tàu dịch vụ hậu cần. Dù đánh bắt hay tham gia dịch vụ hậu cần, các tàu của gia đình ông Lợi cũng đều chấp hành nghiêm Luật Thủy sản Việt Nam và quốc tế.
"Đặc biệt, đối với tàu hậu cần, ngoài nhiệm vụ thu mua, trao đổi hàng hóa, chúng tôi còn được địa phương “giao” vai trò tập hợp, liên kết, hướng dẫn ngư dân sản xuất hợp pháp trên biển," ông Lợi cho biết.
Ông Trần Xí Khuôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, cho hay thời gian qua, ngành rất quan tâm đến khai thác, đánh bắt trên biển. Cùng với việc kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân hoạt động trên biển đúng quy định, địa phương cũng nghiêm cấm và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm thực hiện đúng quy định của quốc tế, đảm bảo chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, điều kiện xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam.
Tuân thủ Luật quốc tế
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, ông Nguyễn Việt Triều nhận định, EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam vì cho rằng những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ để chống lại nạn khai thác bất hợp pháp. Thông qua việc rút "thẻ vàng" cho thấy, EU muốn Việt Nam nâng cao hơn nữa trong quản lý khai thác, đánh bắt thủy sản; đồng thời ràng buộc về chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thủy sản, nhất là đối với thủy sản khai thác bất hợp pháp.
"Yếu tố này được xét trên nhiều mặt như: tàu cá khi ra khơi phải có đăng ký, đăng kiểm, kiểm soát của biên phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, hoạt động đúng ngành nghề được phép… nếu không đáp ứng các yêu cầu đó được coi là bất hợp pháp", ông Triều chỉ rõ.
Cảnh báo "thẻ vàng" sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu có thể bị sụt giảm cũng như tác động xấu đến việc xuất khẩu hải sản sang các thị trường khác như Mỹ (chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác bất hợp pháp từ đầu năm 2018). Điều này được xem như thách thức không nhỏ đối với ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bởi những hệ lụy có thể xảy ra đối với uy tín, thương hiệu và thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng còn lại của năm 2017 vẫn đang có nhiều tín hiệu khả quan. Ước tính giá trị xuất khẩu trong quý 4 tăng nhanh, có khả năng đạt từ 300-350 triệu USD và chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD mà tỉnh Cà Mau đề ra có thể hoàn thành.
Đại diện Sở Công Thương Cà Mau cho biết, tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu hay Hàn Quốc, đối tác đang nhập khẩu mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ Noel, Tết dương lịch sắp đến. Vì thế, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý 4 sẽ tăng cao.
Thực tế thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều hoạt động chấn chỉnh cũng như quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ cho ngư dân, nhằm chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác hải sản ven bờ gây sát hại nguồn lợi hải sản sang các nghề thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho việc thực hiện chuyển đổi nghề trong thời gian tới.
Năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã có Công văn số 8319/UBND-NNNT về việc tăng cường công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài… Trong phiên họp thường kỳ của Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 14/4/2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo chỉ đạo, Công an tỉnh Cà Mau sẽ chủ trì, phối hợp chặt chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi môi giới, đưa tàu, người đi khai thác ở vùng biển nước ngoài; vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại; các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; hợp thức hoá hồ sơ, thủ tục chứng từ tàu hoạt động xa bờ để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Theo TTXVN/Vietnam+