Ngành nông nghiệp phấn đấu 80% thủ tục được giải quyết theo Cơ chế một cửa quốc gia
Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; còn lại 8 văn bản. Bộ đang xây dựng tích hợp 4 văn bản. Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành...
Năm 2017, Bộ NN&PTNT đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các TTHC. (Ảnh: H.V)
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC. Để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 Thông tư trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Đối với hoạt động hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành, gồm 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Về cơ bản, các TTHC từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.
Thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như: Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5 - 7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2 - 3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15 - 20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động kiểm tra đã được rà soát, cắt giảm. Hiện chỉ còn 6 loại phí và lệ phí.
Để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch đối với đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch có nguồn gốc động vật và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quy định tần suất kiểm tra đối với các mặt hàng đang thực hiện kiểm tra 100% lô hàng.
Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến kiểm tra trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là đến năm 2018 cơ bản các TTHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm, kiểm chứng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa TTHC theo trình tự, thủ tục rút gọn, để nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn
Theo Báo Tin Tức