Ngành hàng không ấm trở lại, ACV báo lãi sau thu quý 1 vượt 1.600 tỷ đồng
Doanh thu và lợi nhuận của ACV tăng trở lại theo sự hồi phục của ngành hàng không (Ảnh minh họa) |
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 4.728 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tăng cao nhưng giá vốn hàng bán chỉ tăng 23%, đã giúp lãi gộp của công ty tăng gần gấp 5 lần lên 2.939 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý 1/2023 đạt 62,2%, gấp đôi mức 31,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của ACV giảm 37% về 416 tỷ đồng do không phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng vọt gấp 37 lần cùng kỳ lên 792 tỷ, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ.
Ngoài ra, trong quý đầu năm, ACV ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng gấp 2,6 lần lên 52 tỷ đồng nhờ thị trường hàng không hồi phục, tác động tích cực đến hoạt động của các công ty ACV góp vốn (đều hoạt động trong lĩnh vực hàng không).
Cũng do thị trường hàng không phục hồi, doanh thu bán hàng tăng khiến chi phí bán hàng quý 1/2023 của ACV tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ lên 87 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 2,5 lần lên 499 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Sau khi trừ các chi phí, ACV báo lãi trước thuế đạt 2.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.636 tỷ đồng, đều tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, ACV đặt kế hoạch doanh thu 18.414 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.448 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 26% chỉ tiêu doanh thu và 24% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Về tình hình tài chính, tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của ACV đạt 59.986 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi lên tới 31.141 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng tài sản.
Khoản tiền mặt và tiền gửi lớn này cũng giúp ACV luôn nằm trong top "đại gia" tiền mặt trên sàn chứng khoán cùng với PV GAS, Vingroup, Hòa Phát, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Sabeco,…
Tại thời điểm cuối quý 1, nợ phải trả của công ty giảm gần 9%, xuống 14.905 tỷ đồng, trong đó, nợ vay ngắn hạn là 388 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 14.427 tỷ đồng. Cuối quý 1, vốn chủ sở hữu của ACV tăng lên 45.081 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt 33%, giảm 4% so với đầu năm.
Bức tranh lợi nhuận ngành hàng không ấm trở lại
Bối cảnh hoạt động của ngành hàng không tốt lên trong quý đầu năm không chỉ giúp kết quả kinh doanh của ACV khởi sắc mà còn giúp các doanh nghiệp trong ngành có lãi trở lại.
Theo đó, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Riêng doanh thu vận chuyển hàng không đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) cũng có lãi trước thuế trở lại sau 12 quý lỗ liên tiếp.
Trong quý 1, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 23.494 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của hãng hàng không quốc gia đạt 19,3 tỷ đồng, trong khi quý 1/2022 lỗ hơn 2.621 tỷ đồng, qua đó kết thúc chuỗi thua lỗ 12 quý liên tiếp, kéo dài từ quý 1/2020.
Tuy nhiên, sau khi trừ thuế, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 37 tỷ đồng trong quý 1/2023, cải thiện đáng kể so với mức lỗ sau thuế 2.685 tỷ của cùng kỳ. Khoản lỗ ròng của công ty mẹ cũng thu hẹp còn 104 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ ròng 2.613 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Quý 1 năm nay, Bamboo Airways cũng gần như đạt điểm hoà vốn và Vietravel Airlines tiếp tục chiến lược mở rộng đội bay.