Ngành da giày: Chật vật với mục tiêu xuất khẩu đạt 27 tỷ USD
Quảng Bình: Tiếp nhận hơn 2,7 tỷ đồng do Công viên Động vật hoang dã Wingham tài trợ UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định tiếp nhận khoản viện trợ Dự án “Bảo tồn các địa điểm trọng yếu của loài Trĩ sao Việt Nam (Cực kì nguy cấp) do Công viên Động vật hoang dã Wingham tài trợ với tổng giá trị hơn 2,7 tỷ đồng. |
Hướng đến mục tiêu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Argentina đạt 10 tỷ USD Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Argentina, sáng 26/4 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Santa Fe. |
Ảnh minh họa |
Năm 2022, Việt Nam sản xuất giày da đứng thứ 3 thế giới, chiếm tỷ trọng 6,71%. Về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lượng với hơn 1 tỷ đôi xuất khẩu mỗi năm, chiếm 9,9% tỷ trọng của toàn thế giới, đạt 27 tỷ USD.
Đây là những con số kỷ lục trong suốt chiều dài lịch sử của ngành da giày, đồng thời da giày Việt Nam cũng là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho các hãng lớn như Nike, Adidas...
Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất
Đầu tháng 2/2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cắt giảm hàng ngàn lao động. Thực tế, doanh nghiệp đã cố gắng sắp xếp, nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được, doanh nghiệp buộc phải cho giải thể một số dây chuyền sản xuất.
Sự suy giảm sản xuất tại Công ty PouYuen Việt Nam là thông tin buồn với ngành da giày xuất khẩu trong năm 2023. Bởi đây là doanh nghiệp FDI đầu tàu trong khối sản xuất của ngành giày dép, đóng góp doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Không chỉ riêng PouYuen gặp khó, phải cắt giảm lao động, mà tình trạng này còn diễn ra với không ít doanh nghiệp ngành da giày vì đơn hàng giảm.
Theo ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý 1/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, thậm chí có doanh nghiệp trong nước hiện không có đơn hàng xuất khẩu và phải tạm dừng sản xuất từ quý 1 đến nay.
Đáng ngại hơn, thông tin về triển vọng, tín hiệu của thị trường vẫn chưa có gì tích cực. Hiện chỉ có một vài đoàn của doanh nghiệp nước ngoài đi khảo sát chứ chưa có đơn hàng nào, còn các khách hàng truyền thống đều thông báo không có nhu cầu đặt hàng.
“Ngay cả Nike, Adidas là các thương hiệu lớn như vậy nhưng cũng tồn kho rất nhiều, không có nhu cầu đặt đơn hàng mới”, ông Việt thông tin.
Ông Việt cho biết, đặc thù của ngành da giày là để có đơn hàng quý 2 thì từ quý 4/2022 đã phải làm hàng mẫu nhưng đến giờ phút này gần như không có đơn hàng mới. Nếu bây giờ nhận được đơn hàng mới thì cũng phải quý 3 và quý 4 mới có thể xuất khẩu, bao giờ cũng phải có độ trễ ít nhất 6 tháng.
“Vì vậy, giai đoạn nửa năm tiếp theo ngành xuất khẩu da giày vẫn rất khó khăn”, ông Việt quan ngại.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023 sẽ trở nên thách thức hơn, đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu giảm tiêu dùng.
Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày.
“Thị trường gặp khó, các doanh nghiệp sẽ cố gắng ở mức cao nhất để giữ lao động lành nghề, giữ vị trí trong chuỗi, quyết định hy sinh lợi ích tài chính ngắn hạn để giữ ổn định cao hơn về lao động, nhưng sự gắng gượng này cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nếu tình hình không cải thiện, việc cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất cũng phải xảy ra.”, bà Xuân quan ngại.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý 1/2023 là 4,33 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 969 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ
Về giải pháp trước mắt, bà Xuân cho rằng, hiện nay, sản phẩm giày dép của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt. Đây là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
“Việt Nam hiện được đánh giá là nước khá uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giày, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn. Do vậy, Lefaso cũng hy vọng dù lượng tổng cầu suy giảm, nhưng đơn hàng đối với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì”, bà Xuân kỳ vọng.
Bên cạnh đó, các giải pháp mà doanh nghiệp cần hướng tới là mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Đặc biệt, theo bà Xuân, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may-da giày giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035". Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên, Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp .
“Đơn cử như tiếp tục duy trì chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1-2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, than, vận tải, xăng dầu, dịch vụ cảng biển đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”, bà Xuân nêu rõ.
Về khó khăn hiện hữu, ông Việt cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4 - 5 ngày và giảm quy mô sản xuất như cắt giảm dây chuyền sản xuất. Tuy vậy, khi các doanh nghiệp duy trì sản xuất nhưng không bán được hàng, áp lực về vốn là rất lớn.
“Có những doanh nghiệp không có tiền trả lương công nhân, đóng phí bảo hiểm, phí công đoàn nên phải cắt giảm thời gian làm việc. Nếu không có biện pháp tháo gỡ sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản.”, ông Việt quan ngại.
Thực tế, Chính phủ đã có một số chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Giảm tiền thuê đất, giãn nộp tiền thuê đất, hạ lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Việt, mức giảm lãi suất này chưa tác động được nhiều đến các doanh nghiệp mà phải giảm xuống nữa.
“Chính phủ cần đẩy mạnh gói hỗ trợ 2% lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đồng thời giãn nợ, tái cơ cấu nợ để doanh nghiệp không bị nợ xấu, dễ dàng huy động vốn tín dụng khi có đơn hàng trở lại”, ông Việt kiến nghị.
Sau năm 2022 chật vật, các “ông lớn” xây dựng lên kế hoạch lãi trăm tỷ năm 2023 Năm 2023, dù hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng dự báo vẫn còn gặp khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể "ấm" ngay trở lại nhưng với triển vọng phục hồi vào những tháng cuối năm, một số “ông lớn” xây dựng đã đặt kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh trở lại. |
Bất chấp khó khăn, ngành dệt may lạc quan hướng mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD Đầu năm 2023, doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu quý 1 giảm gần 19% so với cùng kỳ. Song, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vẫn kỳ vọng đến giữa năm nhiều yếu tố giúp xuất khẩu dệt may đạt từ 47-48 tỷ USD. |