Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu kê vốn
Phát hành trái phiếu ngày càng quan trọng với các ngân hàng
Theo thống kê của VIS Rating, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104 nghìn tỷ đồng của năm 2019, và trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành.
Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường, không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Không có gì bất ngờ khi nhóm ngân hàng quốc doanh sử dụng nhiều trái phiếu tăng vốn cấp 2 hơn trong cơ cấu vốn tự có, để bổ sung mức vốn cấp 1 thấp và đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân thấp cùng với việc trả cổ tức tiền mặt thường xuyên đã hạn chế khả năng tạo vốn cấp 1 mới để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này.
Các ngân hàng quốc doanh cũng nhận thấy việc huy động vốn cấp 2 mới sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với việc huy động vốn cổ phần mới vốn đòi hỏi quy trình thủ tục kéo dài. BIDV là ngân hàng nắm nhiều trái phiếu tăng vốn cấp 2 nhất, với tỷ trọng tới 24% toàn ngành vào cuối năm 2023, tiếp đến là VietinBank với tỷ trọng 22% trong khi tại Agribank là 21%.
Cả trái phiếu thường và trái phiếu tăng vốn cấp 2 do ngân hàng phát hành đều có thể được sử dụng để đáp ứng các tỷ lệ quy định, bởi các trái phiếu này giúp cải thiện sự ổn định về nguồn vốn cho ngân hàng.
Trái phiếu có kỳ hạn dài hơn các nguồn vốn thị trường khác như vay liên ngân hàng, và chứng chỉ tiền gửi từ đó giảm khả năng dễ bị tổn thương trước rủi ro tái cấp vốn và rủi ro thanh khoản.
Theo quy định hiện tại, trái phiếu tăng vốn cấp 2 được sử dụng như là vốn bổ sung để bảo đảm khả năng thanh toán cho ngân hàng. Các ngân hàng thường bù đắp chi phí vốn cao của trái phiếu tăng vốn cấp 2 bằng cách đẩy mạnh cho vay và đầu tư tài sản có kỳ hạn dài hơn.
Trước khi triển khai các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vào tháng 9 năm 2019, các ngân hàng chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ đó dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về thanh khoản.
Tuy nhiên, tỷ lệ này dần được siết chặt sau đó (hiện tỷ lệ này được cho phép mức tối đa là 30%) khiến các ngân hàng buộc phải cân đối lại cơ cấu nguồn vốn của mình.
Theo đó, những ngân hàng tăng trưởng mạnh cho vay và có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiệm cận mức trần 30% như NCB, VIB, Techcombank, MBB,… được dự báo sẽ phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn trái phiếu dài hạn.
Song song, một số ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn huy động (LDR) tiệm cận mức trần 85% theo quy định cũng sẽ cần phát hành trái phiếu. Thống kê cho thấy, đến cuối quý I/2024, có khá nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ LDR vượt 85% bao gồm MBBank, BIDV, Sacombank, SHB, BVBank, Eximbank, Vietcombank, HDBank, BacABank, NCB và VietABank.
Cần phát hành hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm tới
Theo dự báo của VIS Rating, khi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
“Lợi nhuận ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhưng nếu không có tăng vốn cổ phần mới, tỷ lệ an toàn vốn sẽ giảm dần đặc biệt đối với các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân”, chuyên gia VIS Rating nhận định.
Đồng quan điểm, trong báo cáo thị trường trái phiếu mới đây, các chuyên gia phân tích của FiinRatings cũng dự báo trái phiếu ngân hàng sẽ có một năm “bận rộn” hơn các năm trước kia.
“Chúng tôi dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện đang có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp”, chuyên gia cho biết.
Theo quy định hiện hành, giá trị mệnh giá phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được ghi nhận vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Các ngân hàng đang gặp vấn đề về rủi ro tài sản hoặc không thể huy động vốn cổ phần mới sẽ cần phát hành thêm trái phiếu tăng vốn cấp 2. Trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ giúp thay thế những trái phiếu hiện có đang bị khấu trừ hoặc bị mua lại sớm và/hoặc bù đắp sự tăng trưởng của tài sản có trọng số rủi ro.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tới thời điểm hiện tại, đã có 7 ngân hàng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 67 nghìn tỷ đồng. Trong đó, HDBank dự kiến phát hành 20 nghìn tỷ đồng, BIDV phát hành 14 nghìn tỷ đồng, MBBank phát hành 10 nghìn tỷ đồng, BacABank là 9.000 tỷ đồng,…
Novaland tiếp tục xin lùi thời gian hoàn thành thoả thuận gói trái phiếu 300 triệu USD Novaland tiếp tục đề nghị dời ngày hoàn thành thỏa thuận dàn xếp gói trái phiếu 300 triệu USD đến ngày 28/6 thay vì 10/6 như đã công bố trước đó. Đây là lần thứ hai Novaland xin dời lại thời gian hoàn thành thoả thuận. |
Home Credit Việt Nam hút thêm 500 tỷ đồng trái phiếu “3 không” Vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 31/5, đến ngày 5/6 Home Credit Việt Nam tiếp tục huy động thêm 500 tỷ đồng trái phiếu “3 không” - không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. |