Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng hot. |
Trong suốt hai năm qua, thương mại điện tử, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng. Song hành với đó là thách thức khi hình thức kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ hàng giả...
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Bên cạnh những mặt tích cực, internet và TMĐT cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng TMĐT, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương…
Thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT như: Công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Một nguyên nhân nữa đó là nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế do chưa đủ thông tin để nhận biết hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Đáng quan ngại hơn, là hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream.
Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Theo đó, để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay, cần phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu…