Nga - Trung hợp lực phá “gông” SWIFT
Trong một động thái gây chú ý, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga và Trung Quốc đang cùng làm việc để thiết lập hệ thống thanh toán riêng, tránh phụ thuộc hệ thống quốc tế SWIFT. Phát biểu ở Diễn đàn Kinh doanh năng lượng Trung-Nga lần thứ 4 vào ngày 29/11 tại Moscow, ông Alexander Novak cho biết thêm, trên thực tế các khoản thanh toán khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thời gian qua đã được chuyển sang hệ thống tiền tệ của hai nước.
Sắp tới, các khoản thanh toán dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và than đá giữa hai quốc gia đang xích lại gần nhau là Nga và Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng chuyển sang sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ. Nhằm phòng ngừa rủi ro, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi đồng Ruble và Nhân dân tệ trở thành tiền tệ dự trữ thế giới, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nghiên cứu mở tài khoản cho các công ty ở hai nước và tạo ra hệ thống thanh toán mà không cần sử dụng SWIFT.
Việc Nga và Trung Quốc bắt tay nhau để xây dựng một hệ thống thanh toán tiền tệ riêng không làm ai ngạc nhiên nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong thời gian dài qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters). |
Hệ thống tin nhắn thanh toán Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là hệ thống bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên toàn cầu. SWIFT thành lập năm 1973 để thay thế điện tín và hiện được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Bởi cho đến nay vẫn chưa có kênh nào thay thế được chấp nhận trên toàn cầu nên SWIFT mặc định có vai trò vô cùng thiết yếu với tài chính thế giới, mọi việc giao dịch làm ăn trên toàn cầu khó có thể kết nối và thành công.
SWIFT vẫn tự xem mình là “một cơ quan trung lập” có trụ sở tại Bỉ, được thành lập theo luật pháp của nước này và tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) mà Bỉ là một thành viên. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/2/2021, SWFIT nêu rõ, SWIFT là một hệ thống hợp tác toàn cầu trung lập được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng.
Hệ thống này ngỏ ý đứng ngoài các tranh chấp giữa các quốc gia khi nhấn mạnh rằng, mọi quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc các tổ chức cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ và các nhà lập pháp có thẩm quyền. Thế nhưng, thực tế lại không hẳn như vậy khi đồng USD giữ vai trò gần như thống trị trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Kể từ lúc thành lập năm 1973 đến trước cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine xảy ra đầu năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, chỉ có một trường hợp duy nhất là Iran đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT vào năm 2012 để trừng phạt quốc gia Trung Đông này do chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Ước tính, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau quyết định này.
Vào tháng 3/2014, Nga cũng phải chịu sự trừng phạt tương tự bởi việc sáp nhập bán đảo Crimea. Tiếp đó, ngay sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24/2/2022, Nga cũng phải hứng chịu “một series” những đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Một trong những cú đòn nặng ký nhất là bị loại hoàn toàn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Với khoảng 300 ngân hàng và tổ chức tài chính ở Nga nằm trong mạng SWIFT, là nhóm người dùng lớn thứ hai sau Mỹ trên toàn cầu, và hơn một nửa số tổ chức tín dụng ở Nga cũng là thành viên của SWIFT, việc bị loại khỏi hệ thống đã khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi nước này. Điều này gây ra cú “sốc” cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của các công ty này, đặc biệt là những nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt bằng đồng USD.
Moscow không phải không biết ích lợi của SWIFT lúc làm ăn bình thường cũng như sự lợi hại của hệ thống này khi trở thành một thứ “vũ khí” trong trường hợp nổ ra tranh chấp, đối đầu. Sau khi bị Mỹ và phương Tây trừng phạt do sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014, Nga đã lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng mang tên SPFS có chức năng tương tự như SWIFT, có thể đảm bảo chuyển giao an toàn các thông tin tài chính giữa các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Nga quảng bá hệ thống thanh toán nội địa của riêng mình như một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho SWIFT kể từ khi nhiều ngân hàng của nước này bị ngắt kết nối với mạng tài chính phương Tây.
Trong khi đó, Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới sau Mỹ cùng sự tranh chấp ngày càng gay gắt, thậm chí bùng nổ chiến tranh thương mại với Washington, cũng đã tìm cách xây dựng một hệ thống thanh toán tài chính của riêng mình. Trung Quốc từ năm 2015 đã bắt tay triển khai Hệ thống thanh toán liên ngân hàng qua biên giới (CIPS). Đây là một hệ thống xử lý thanh toán độc lập sử dụng đồng Nhân dân tệ.
Sự ra đời của CIPS là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khuyến khích việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu, vốn vẫn còn nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc. Đây cũng được coi là một cách mà Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính do phương Tây chi phối và việc sử dụng đồng USD, đặc biệt là sau những đòn biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và Nga, những quốc gia đối thủ của Mỹ và phương Tây.
Phá thế độc tôn của SWIFT trong hệ thống thanh toán, tài chính toàn cầu là mong muốn của cả Nga và Trung Quốc khi thiết lập SPFS và CIPS. Thế nhưng, xem ra đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường còn rất dài và gập ghềnh này. Cho đến nay, với sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế số hai thế giới nhưng CIPS còn rất nhỏ bé so với SWIFT dù đã đi vào hoạt động được 7 năm.
Chưa biết Nga và Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống thanh toán để tránh phụ thuộc SWIFT thế nào, song chí ít hai quốc gia này hy vọng cũng giảm dần sự phụ thuộc và đặc biệt giảm thiếu thấp nhất thiệt hại nếu hệ thống thanh toán toàn cầu này được Mỹ và phương Tây sử dụng như một thứ vũ khí nhằm vào họ.
Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Nga: Cần thắt chặt quan hệ hợp tác, tình đoàn kết Nga - Việt Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, chiều 19/9, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi đã tiếp các nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thuộc Đảng Cộng sản LB Nga. Đoàn do Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Nga Ivan Melnikov, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga, dẫn đầu. |
Chàng trai "xương thủy tinh" phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới Một chàng trai 19 tuổi mắc căn bệnh "xương thủy tinh" đã chinh phục kỷ lục thế giới với thành tích nâng hai chân trên không trung suốt 120 phút. |