Nga thông báo tàu ngầm bí ẩn Losharik sẽ trở lại
Hải quân Nga nổi tiếng với danh sách phong phú các tàu ngầm tấn công và chiến lược nhưng không có chiếc nào bí ẩn như AS-31 Losharik.
Losharik có nguồn gốc từ một đề xuất thời Liên Xô vào cuối những năm 1980 nhằm thiết kế một tàu ngầm đặc nhiệm, một phần để thay thế tàu lớp Kashalot và X-Ray.
Để phù hợp với mục đích này, dự án tàu ngầm Losharik được giữ bí mật tối đa. Tuy nhiên, cũng như với nhiều dự án quân sự đầy tham vọng của Liên Xô thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh, kinh phí cho dự án tàu ngầm cạn kiệt sau khi Liên Xô sụp đổ.
Nga thông báo tàu ngầm bí ẩn Losharik đang trở lại. Ảnh: Hải quân Nga |
Dự án Losharik đã được tiếp tục vào đầu những năm 2000. Losharik, hay AS-31, đã được đưa vào biên chế phục vụ Cục Nghiên cứu Biển sâu, hay còn gọi là GUGI.
Được cung cấp động năng từ một lò phản ứng hạt nhân, Losharik có lượng choán nước dưới một nghìn tấn và được cho là dài khoảng 70 mét.
Theo quan sát của chuyên gia tàu ngầm H.I Sutton, khung thân Losharik trải dài với cấu trúc bảy quả cầu. Dù không thuận tiện cho thủy thủ đoàn (được cho là bao gồm 25 người), những khoang tàu hình cầu này cho phép tàu ngầm hoạt động ở độ sâu tăng lên nhiều so với các tàu thông thường. Thiết kế bên trong tàu Losharik vẫn là một chủ đề để thiên hạ suy đoán.
Về mặt kỹ thuật, đây là một tổ chức tách biệt với Hải quân Nga, GUGI đứng đầu các nỗ lực thu thập thông tin tình báo dưới nước sâu của Nga. Cơ quan này thực thi các nhiệm vụ được cho là bao gồm các nghiên cứu bí mật liên quan đến đại dương và các hoạt động liên quan đến các phương tiện không người lái dưới nước, mặc dù các nhiệm vụ chính xác và lịch sử hoạt động của GUGI vẫn được bảo mật chặt chẽ, theo National Interest.
Losharik là một con tàu đặc biệt, được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn ưu tú và phục vụ các nhiệm vụ bí mật. Điều này làm cho vụ cháy năm 2019 trở nên bi thảm hơn. 14 thành viên thủy thủ đoàn đã chết sau khi hít phải khói độc từ đám cháy.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau đó tuyên bố rằng Losharik đã được cứu trước khi thiệt hại không thể phục hồi "nhờ những hành động hy sinh quên mình của thủy thủ đoàn", những người được cho là đã không rời tàu nhằm ngăn ngọn lửa lan ra các khoang khác của tàu ngầm.