Nga cáo buộc Ukraine âm mưu diệt chủng Crimea
Thông tấn TASS ngày 4/3 cho biết, đại diện thường trực của Nga tại Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich đã cáo buộc Ukraine thực hiện âm mưu diệt chủng trên bán đảo Crimea bằng việc ngăn nguồn cung nước ngọt cho bán đảo.
Theo ông Lukashevich, người dân Crimea vốn đã tự bỏ phiếu để quyết định tương lai của họ là độc lập Ukraine và sáp nhập vào Nga nhưng họ đã bị gánh lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu và Canada một cách bất hợp pháp. Các lệnh trừng phạt này vốn không mang lại lợi ích gì, việc này có thể được nhìn qua các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Cuba mà giới lập pháp nước này đang thúc giục ông Biden đảo ngược chính sách.
Thế nhưng, trên cả Mỹ hay EU thì Ukraine đã có các chính sách trừng phạt mạnh mẽ nhất, phong tỏa kinh tế, giao thông và đường thủy đối với khu vực này.
Kênh đào Bắc Crimea cấp nước ngọt cho miền Nam Ukraine và bán đảo Crimea đã cạn khô. Nguồn: TASS |
Ông Lukashevich nêu ví dụ về việc Kiev dự định xây một con đập trên km 107 của kênh đào Bắc Crimea mà theo một số quan chức Kiev miêu tả là nhằm "khiến nước chảy vào bán đảo càng ít càng tốt". Đáng nói, việc ngăn chặn nguồn nước ngọt đổ vào bán đảo Crimea không chỉ ảnh hưởng đến người dân Crimea mà còn ảnh hưởng đến người dân các khu vực phía Nam nước này cũng dùng chung nguồn nước.
Đặc phái viên Nga Lukashevich cáo buộc: "Việc tước đoạt nguồn nước của người dân có thể được coi là hành động diệt chủng có chủ đích."
Được biết, trước đó, ngày 17/2, Đại diện thường trực của Tổng thống Ukraine tại Crimea Anton Korinevich cho biết, Kiev sẽ hoàn tất công trình xây dựng một con đập trên kênh Bắc-Crimea, để chặn nguồn cung cấp nước ngọt cho Crimea cho đến khi bán đảo này được “giải phóng”.
Kênh đào bắc Crimea nếu bị đóng lại sẽ cắt đứt nguồn cung 85% lượng nước ngọt vào Crimea qua kênh đào này. Trước đây, Kiev đã tuyên bố không cắt nguồn cung cấp nước nhưng sẽ tính phí.
Tuy Cơ quan quản lý tài nguyên nước của Ukraine phủ nhận thông tin đóng cửa kênh đào nhưng chính quyền Crimea khẳng định, hiện tại khối lượng nước chảy qua kênh đào chưa đáp ứng được đến 5% nhu cầu của bán đảo.