Nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 3 tỉnh
Vừa qua, dự án "Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam" (Dự án CMCR) được triển khai tại 16 xã/phường thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hội thảo tổng kết, chia sẻ các kết quả đạt được, những tác động và thay đổi tích cực từ hoạt động, can thiệp của dự án.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng kinh phí viện trợ là 2,4 triệu USD, do liên minh các tổ chức (Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Catholic Relief Sevices, Plan International, Save the Children, và HelpAge International) thực hiện.
Giai đoạn này của dự án được thiết kế dựa trên kết quả của ba giai đoạn đã được thực hiện từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2021, gồm cung cấp các giải pháp về phòng chống thiên tai (PCTT) và trường học an toàn cho 70 cộng đồng dễ bị tổn thương tại 4 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, và Hà Tĩnh với hơn 150.500 người hưởng lợi và tổng kinh phí 6,9 triệu USD.
Trao trang thiết bị phòng chống thiên tai tại phường Hương Vinh, TP. Huế. Nguồn: Linh Tuệ |
Mặc dù thời gian triển khai các hoạt động trên thực tế chỉ hơn 18 tháng, các tác động của dự án đã mang lại những kết quả tích cực, cho thấy sự phù hợp, tính hiệu quả, bền vững của các hoạt động với sự tham của nhiều bên liên quan, đặc biệt là người dân trong suốt quá trình triển khai.
Tại Thừa Thiên Huế, dự án được thực hiện từ giữa năm 2022 đến tháng 9/2023 tại 4 phường: Hương Vinh, Phú Thượng (TP. Huế), Thủy Phương, Thủy Châu (TX.Hương Thủy). Theo đó đã có hơn 4.000 người được hưởng lợi từ dự án.
Nhiều hoạt động được triển khai gồm nâng cao năng lực và tập huấn; xây dựng nhận thức cộng đồng thông qua đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng khu vực đô thị và xây dựng bản đồ đa thiên tai.
Đồng thời cung cấp gói trang thiết bị PCTT như ghe, máy phát điện, máy xịt bùn, máy bơm nước, tổng kinh phí gần 430 triệu đồng; gia cố 8 nhà an toàn trước thiên tai, mỗi nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng; và nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và đội ứng phó cộng đồng.
Tại Sơn La, dự án được triển khai thực hiện tại 2 xã Phiêng Ban và Tà Xùa, huyện Bắc Yên từ tháng cuối tháng 3/2022.
Theo báo cáo tại lễ tổng kết dự án do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Sơn La phối hợp với Tổ chức Save the Children, dự án đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch PCTT cho 2 xã và trường học an toàn trong PCTT tại 3 trường tiểu học; tập huấn, triển khai chương trình quản lý rủi ro cho Ban Chỉ huy PCTT - TKCN; tăng cường năng lực triển khai các hoạt động PCTT cho 30 cán bộ, giáo viên các trường học.
Theo đó, dự án đã nâng cao khả năng, kỹ năng chống, chịu, ứng phó với thiên tai cho hơn 8.600 người, 120 cán bộ, giáo viên và 1.600 học sinh tại các xã Phiêng Ban, Tà Xùa, giúp các địa phương nắm rõ cách thiết lập mô hình nhà an toàn trong PCTT tại cộng đồng.
Hội thảo tổng kết dự án “Mô hình toàn diện nhằm nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại tỉnh Hà Giang và thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai”, thuộc dự án “Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam”. |
Tại thành phố Hà Giang, tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án CMCR và huy động sự tham gia của doanh nghiệp địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh.
Tại Hà Giang, dự án được triển khai từ tháng 4/2022 đến hết tháng 9/2023, tại 4 xã: Tụ Nhân, Chiến Phố (Hoàng Su Phì), Tả Nhìu, Nấm Dẩn (Xín Mần).
Dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương; thay đổi nhận thức, kiến thức và kỹ năng của cán bộ cấp xã, các nhóm cộng đồng; cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường; người dân đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em trong quản lý, giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và trong thực hiện Khung Trường học an toàn phòng, chống thiên tai.