Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức
Hội thảo do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu (Ảnh: Mai Anh). |
Nữ trí thức tham gia NCKH – còn nhiều rào cản, thách thức
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng việc Đảng và Nhà nước có những chương trình, nghị quyết quan tâm đến công tác bình đẳng giới từ rất sớm tạo môi trường thuận lợi giúp các cán bộ nữ phát huy được tiềm năng của mình. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều rào cản, khó khăn đối với nữ trí thức khi tham gia vào lĩnh vực KHCN. Hiện nay số lượng nữ trí thức trong lĩnh vực KHCN còn rất khiêm tốn trong bối cảnh sự nhìn nhận của xã hội vẫn còn chưa đủ tin tưởng với việc nữ trí thức tham gia làm khoa học bởi NCKH là một công việc vất vả, nếu không đủ đam mê thì khó có thể làm được. Hơn nữa, trong NCKH luôn luôn có rủi ro. Mà khi đã thành công tạo ra sản phẩm rồi thì lại phải làm sao để ứng dụng các kết quả đó trong thực tiễn, được thị trường, doanh nghiệp ủng hộ, người dân công nhận.
Ngoài ra còn hàng loạt những khó khăn được các đại biểu lần lượt đưa ra như việc thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (như định giá kết quả nghiên cứu, trách nhiệm, thẩm quyền thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giao quyền đối với tài sản là kết quả nghiên cứu...), tiềm ẩn những tranh chấp pháp lý khi triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Điều này còn cản trở hoạt động của các tổ chức trung gian làm cầu nối cho chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Các đại biểu nêu tham luận tại buổi Hội thảo (Ảnh: Mai Anh). |
Nhiều giải pháp được đề xuất
Tại buổi hội thảo, bà Vũ Thị Thu Lan, Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp về chính sách đẩy mạnh công tác NCKH tăng cường sự đóng góp của nữ trí thức trong thời gian tới.
Theo bà Lan cần tăng cường đầu tư Nhà nước, bố trí ngân sách vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước. Xây dựng nhiệm vụ KHCN dài hạn gắn các nhà khoa học thực hiện đến sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh, nhất là các công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cao nhằm mục đích chuyển giao cho doanh nghiệp sau khi hoàn thiện công nghệ.
Cần thúc đẩy hợp tác quốc tế nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới đồng thời xây dựng các chương trình hợp tác trong đào tạo, trao đổi nhân lực, nghiên cứu khoa học với các tổ chức, đơn vị nước ngoài; tham gia, tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm; xúc tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra cần xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, chế tài trong văn bản pháp lý liên quan như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ…; bổ sung một số quy định, chế tài để tạo khung pháp lý và khuyến khích hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu Vũ Thị Thu Hà đã kiến nghị một số giải pháp như khi xây dựng chính sách khoa học và công nghệ phải dựa trên những đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, phải thừa nhận “rủi ro” là đặc thù của hoạt động này bởi nếu chắc chắn 100% phải thành công thì đó không còn là NCKH nữa. Đặc biệt, cần hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn trong quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn…
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu (Ảnh: Mai Anh). |
PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá nữ trí thức có vai trò quan trọng với những đóng góp hiệu quả trong công tác nghiên cứu KHCN hiện nay. Việc đánh giá đúng, đặt trọng trách và tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng trên thực tế không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học nữ tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển KHCN trong tương lai.