Myanmar cứu hộ hơn 200 người di cư vào bờ
Hàng nghìn người từ Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó có Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Ảnh: AFP.
Trên thuyền có tổng cộng 219 người gồm: 208 Bangladesh, 9 thủy thủ, 2 người phiên dịch Bengali rời bến Ranong, phía nam Thái Lan. Ngoài con thuyền trên, hải quân Myanmar còn tìm thấy một thuyền trống đang trôi giạt trên biển.
Thời gian gần đây, hàng nghìn người từ Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó có Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Các nhà quan sát cho biết cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc Myanmar từ chối tiếp nhận dòng người Rohingya, một tộc người thiểu số tại bang Rakhine của nước này. Myanmar bác bỏ sự phân biệt đối xử một lần nữa với các nhóm dân tộc thiểu số và cho biết đây không phải là lý do của vấn đề này.
Được biết, trước đó (19/5) LHQ kêu gọi ba nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan đẩy mạnh chiến dịch giải cứu người di cư trên biển và chấm dứt hành động ngăn cản các thuyền di cư cập bến. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh từ cuối tuần qua họ không nhận được một báo cáo nào về tiếp nhận người di cư trên biển trong khu vực, cho thấy một số nước đã từ chối tiếp nhận người di cư, đẩy các con thuyền nhập cư trở lại biển, ví dụ như hàng trăm người di cư Myanmar đã phải mất thêm khoản tiền không nhỏ cho các chủ đường dây đưa người để được đưa trở lại quê hương sau khi không được tiếp nhận ở nước nhập cư. Hàng nghìn người Myanmar và Bangladesh, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đã phải lênh đênh suốt 40 ngày trong các con tàu chật hẹp thiếu thốn mọi tiện nghi ở ngoài bờ biển vì không được cập bờ đất liền. Hiện các tổ chức nhân quyền đang đặc biệt lo ngại về số phận 300 người di cư trên một con tàu bị đẩy trở lại biển ở Đông Nam Á và đã mất tung tích trong hai ngày qua.
Các bộ trưởng 3 nước đã gặp gỡ ở Malaysia vào hôm qua (20/5), thảo luận làm thế nào để giải quyết những con thuyền chở đầy người đang thả trôi ở ngoài khơi bờ biển của họ. Những người di cư bao gồm nhiều người Hồi giáo Rohingya – một tộc người thiểu số đang bỏ chạy khỏi sự đàn áp ở Myanmar.
Những quốc gia có liên quan đang lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp gỡ thêm nữa vào ngày 29/5 ở Thái Lan. Myanmar chưa thông báo quyết định có tham dự hay không. Quốc gia này không công nhận cộng đồng thiểu số Rohingya Hồi giáo.
TG (Tổng hợp)