Mỹ sẽ chi tới 17,7 tỷ USD để triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa hạt nhân?
Nhiều tờ báo loan tin rằng một ước tính của Văn phòng Đánh giá Chi phí và Đánh giá Chương trình (CAPE) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập tới kế hoạch triển khai 21 tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt tên lửa hạt nhân sẽ tiêu tốn 17,7 tỷ USD.
Một cuộc thử nghiệm hệ thống Phòng thủ trên mặt đất. Nguồn: Internet |
Được biết, hai hãng Lockheed Martin và Northrop Grumman đang cạnh tranh nhau, cùng phát triển các thiết kế cho chương trình đánh chặn thế hệ tiếp theo, với mục tiêu triển khai một phiên bản kế nhiệm của hệ thống đánh chặn trên mặt đất, được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mặt đất GMD (Missile Defense Agency’s Ground-based Midcourse Defense- Hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất thuộc Lực lượng phòng thủ tên lửa) của Mỹ.
Hiện tại, 44 tên lửa đánh chặn được triển khai tại các hầm chứa ở Alaska và California để bảo vệ Mỹ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) quy mô nhỏ, có lẽ là từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, hệ thống tên lửa đánh chặn từ mặt đất đã thất bại 9 trong số 20 cuộc thử nghiệm đánh chặn (45%) trong 22 năm qua và không có khả năng đánh bại một cách đáng tin cậy các ICBM tinh vi hơn sử dụng mồi bẫy, cơ động né tránh và phóng nhiều đầu đạn hạt nhân.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu CAPE đánh giá độc lập về chi phí của chương trình tên lửa đánh chặn thế hệ mới trong dự luật tài trợ quốc phòng. Theo CAPE, phần lớn số tiền (13,1 tỷ USD) chi cho chương trình tên lửa đánh chặn thế hệ mới sẽ dành cho nghiên cứu và phát triển, bao gồm sản xuất 10 tên lửa thử nghiệm sẽ được phóng vào giữa những năm 2020. Sau đó, 2,3 tỷ USD sẽ được chi để mua sắm và triển khai 21 tên lửa đánh chặn bắt đầu từ khoảng năm 2028, nâng lực lượng GMD lên 65 tên lửa. Chi phí vận hành, bảo trì những tên lửa này sau đó sẽ lên tới 2,2 tỷ USD trong suốt thời gian hoạt động của chúng.