Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, BNN
Việc phòng ngừa TNLĐ, BNN có ý nghĩa rất quan trọng trong pháp luật về TNLĐ, BNN, bởi khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt rủi ro mà NLĐ gặp phải sẽ giảm đi đáng kể, hạn chế tối đa được TNLĐ, BNN và những hậu quả mà nó gây ra cho NLĐ cùng những chủ thể khác. Vì vậy, việc phòng ngừa TNLĐ, BNN là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi chủ thể để Nhà nước đảm bảo chức năng quản lý của mình, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đảm bảo môi trường làm việc tại cơ sở và giúp xã hội phát triển ổn định, bền vững. Việc phòng ngừa TNLĐ, BNN là một công việc chung cần sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các bên trong quan hệ lao động.
Một số kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN ở Việt Nam
Thứ nhất, công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được chú trọng, nâng cao, đẩy mạnh và gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện lao động (ĐKLĐ) và xây dựng văn hóa an toàn lao động (ATLĐ) tại nơi làm việc. Có thể kể đến các phong trào, các cuộc vận động, như: “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”; "Bảo đảm ATLĐ, PCCN"; “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”;… được tổ chức thành công, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Để công tác đảm bảo ALLĐ hiệu quả rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng |
Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được chú trọng và đẩy mạnh. Qua việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về công tác ATVSLĐ tại hàng loạt doanh nghiệp. Qua đó, các đơn vị chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sai sót đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Thứ ba, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn về ATVSLĐ. Trong những năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã tập trung hoàn thiện các văn bản pháp quy kỹ thuật nhằm quản lý an toàn đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và tập trung rà soát các quy phạm ATLĐ, quy trình kiểm định và các văn bản pháp quy kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung, chuyển đổi và xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ theo quy định hiện hành.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, BNN:
Một là, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa TNLĐ, BNN: Cần ban hành, cập nhật, thay thế những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về máy móc, thiết bị, các chỉ số môi trường làm việc đã cũ, lỗi thời trong các ngành, nghề lĩnh vực cụ thể. Cần nghiên cứu và quy định theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm đảm bảo tính răn đe, tạo áp lực đối với NSDLĐ trong việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, nhưng phải phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Cần bổ sung và điều chỉnh danh mục BNN sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại của Việt Nam.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi đua, khen thưởng trong công tác đảm bảo ATVSLĐ: Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có thể thực hiện qua Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm nhằm làm thay đổi nhận thức về công tác ATVSLĐ. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến cần được thức hiện dưới nhiều hình thức, như băng rôn, biểu ngữ, phát tờ rơi, phổ biến pháp luật qua hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội thông qua những hình thức phù hợp, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nắm bắt, đảm bảo những NLĐ với trình độ học vấn thấp cũng hiểu được quyền, nghĩa vụ cơ bản của bản thân trong lĩnh vực về TNLĐ, BNN.
Ba là, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ tới đông đảo NLĐ: TNLĐ phần lớn gây ra bởi NLĐ không được huấn luyện về công tác đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Để thực hiện tốt công tác này, trước tiên, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí tổ chức huấn luyện, tập trung ở những doanh nghiệp, vùng kinh tế khó khăn, ở những doanh nghiệp có nguy cơ cao tiềm ẩn TNLĐ, BNN.
Bốn là, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động: Việc thanh tra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành lao động và các ngành liên quan, nhất là trong lĩnh vực TNLĐ, BNN như: Y tế, Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, việc nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thanh tra, kiểm tra lao động cũng cần chú trọng nhằm đảm bảo yếu tố chuyên môn, kỹ thuật trong công tác thanh tra, kiểm tra.