Mở cửa Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam
Bảo tàng văn hóa Phật giáo có diện tích khoảng 700m2, đặt tại tầng hai của ngũ giác đài Sen Ngọc trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm. 500 hiện vật có liên quan đến Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau được trưng bày tại bảo tàng. Trong số 500 hiện vật được trưng bày, có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ.
Nổi bật trong không gian trưng bày là hình tượng của Đức phật với nhiều chất liệu khác nhau (ngọc, đồng) gồm: Tượng Thích ca đản sinh từ thế kỷ 16, tượng Di đà thế kỷ 19, tượng Đức Phật Quán Thế Âm bồ tát, hình tượng Đức Phật Di Lặc...; trong đó bức tượng Phật Di Lặc tuy chưa xác định là cổ vật nhưng đặc biệt ở chỗ tuy có kích thước bên ngoài tương đối nhỏ, không biết làm bằng chất liệu quặng kim loại gì nhưng nặng đến phải 2, 3 người đỡ mới được.
Trong nhóm hiện vật về hình tượng Phật, các chuyên gia xác định có hai nhóm hiện vật giá trị đặc biệt là tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay. Tương truyền, tượng được tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn do một hoàng hậu thờ để cầu thái tử. Hai là nhóm 8 tượng Phật Mật Tông được khuyến khích thành lập hồ sơ bảo vật quốc gia... Bên cạnh đó, hiện vật Tòa Cử long mang giá trị nghệ thuật hết sức sinh động với hình hai con rồng uống lượn, xung quanh là hình các vị Phật.
Ngoài hình tượng Phật, bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật là các mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí... phục vụ cho các nghi lễ, thờ cúng trong Phật giáo như: bức tranh khảm xà cừ hình đức Phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, các tăng ni, cung phi mỹ nữ, muôn thú...; đỉnh, chuông đồng, bình sứ...
Trong hơn một năm qua, các chuyên gia trong Hội đồng giám định cổ vật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm các TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng... nghiên cứu, thẩm định và làm hộ chiếu cho khoảng 500 hiện vật, cổ vật tại chúa Quán Thế Âm.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, các hiện vật, cổ vật đang được trưng bày tại Bảo tàng còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị quý báu mà chưa được rõ hết. Trước hết, quy mô của Bảo tàng xét tới số lượng hiện vật đang được trưng bày tại đây; còn về chất lượng hiện vật vẫn còn nhiều thông tin chi tiết để ngõ là một sự cẩn trọng cho thấy sự nghiêm túc của các chuyên gia cũng như nhà chùa nơi đặt Bảo tàng. Bên cạnh đó, theo ông Quốc, đồng thời với việc mở cửa Bảo tàng, cần có một “bảo tàng ảo” trên mạng thông tin về các hiện vật ở Bảo tàng để tiếp nhận thêm nhiều ý kiến đánh giá, thảo luận, so sánh với các hiện vật trong công chúng.
Cuối năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định chính thức thành lập Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng, tại chùa Quán Thế Âm. Sau thời gian dài giám định, sắp xếp trưng bày hiện vật, Bảo tàng văn hóa Phật giáo chính thức mở cửa miễn phí cho người dân và du khách tham quan từ ngày 24/12.
Bảo tàng văn hóa Phật giáo đi vào hoạt động giúp gìn giữ di sản văn hóa Phật giáo, vốn tồn tại cùng bề dày lịch sử dân tộc, tạo cơ hội cho người dân chiêm ngưỡng những hiện vật phật giáo quý hiếm tồn tại nhiều thế kỷ, góp phần tạo điểm đến thú vị cho du khách khi đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nam Yên