MAG: Hành trình mang lại cuộc sống bình yên cho người dân Quảng Bình
Hành trình hữu nghị 2021- Mang đến cho bạn bè quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị về Hà Nội Ngày 17/4, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hành trình hữu nghị 2021 cho gần 400 đại biểu đến thăm di tích Đền Văn Hiến và khu du lịch sinh thái Đan Phượng. |
Mạng xã hội tràn ngập hạnh phúc với chương trình “Triệu ly sữa yêu thương, triệu nụ cười hạnh phúc” của Vinamilk Sau hơn 10 ngày phát động, chiến dịch “Triệu ly sữa yêu thương, triệu nụ cười hạnh phúc” đã nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng mạng vìý nghĩa tích cực“kép” mà chương trình mang lại cho chính người tham gia lẫn các em nhỏ kém may mắn trên cả nước. |
Luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ
Có mặt tại tỉnh Quảng Bình từ năm 2003, hiện MAG đang tập trung nguồn lực rà tìm, xử lý bom chùm và các loại vật nổ khác còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn hai huyện: Bố Trạch, Quảng Ninh. Đây là hai địa phương có tỷ lệ đất bị ô nhiễm bom, mìn lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Song song với hoạt động rà phá theo kế hoạch tại hai huyện này, MAG cũng ưu tiên xử lý các nhiệm vụ khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn của cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh khi nhận được yêu cầu từ chính quyền và người dân địa phương. Ngoài ra, MAG cũng thực hiện rà phá các hiện trường theo yêu cầu để phục vụ mục đích xây dựng và phát triển cộng đồng.
Đội rà phá bom, mìn MAG chuẩn bị di chuyển, xử lý quả bom loại MK83 nặng hơn 450kg, được phát hiện trong quá trình xây dựng mở rộng tuyến quốc lộ 12A đi cửa khẩu Cha Lo ( xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa). |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Hà, Quản lý hoạt động của MAG tại Quảng Bình cho biết: “Trong đợt lũ lịch sử tháng 10-2020, do ngập lụt nên chúng tôi phải nghỉ ở nhà, không thể ra hiện trường làm việc. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, phát hiện thấy bom, mìn cần xử lý ngay, chúng tôi lập tức lên đường làm nhiệm vụ.Với mong muốn mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người dân, ngày nắng cũng như ngày mưa, từ sáng sớm, các cán bộ, nhân viên kỹ thuật MAG đã có mặt tại trụ sở để nhận nhiệm vụ và lên đường đến những địa điểm cần rà phá, xử lý bom, mìn. Công việc của họ rất vất vả, không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật khi rà phá bom, mìn, cả ngày họ còn phải đứng giữa thời tiết khắc nghiệt, bữa trưa là những hộp cơm mang đi từ sớm, ăn vội tại hiện trường. Thậm chí, có những trường hợp khẩn, nhận được thông báo, không kịp ăn, cán bộ, nhân viên MAG đã vội lên đường làm nhiệm vụ…
Vì công việc chung, nhiều cán bộ, nhân viên phải tạm gác việc gia đình để lên đường làm nhiệm vụ. Đã vậy, công việc xử lý bom, mìn trong lúc mưa lũ cũng vất vả hơn bình thường bởi tính cấp thiết, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn… Nhớ nhất là khi chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ xử lý bom tại xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), đã quá trưa, bụng đói thì nhận được tin báo xử lý gấp quả bom trên quốc lộ 12A (đang sạt lở). Chúng tôi vội vàng lên đường, vừa đi trên xe vừa ăn để kịp đến hiện trường làm nhiệm vụ”.
Vất vả, gian khổ là thế nhưng cán bộ, nhân viên MAG luôn nhiệt tình, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, từ năm 2003 đến tháng 3-2021, tại tỉnh Quảng Bình, MAG đã rà được hơn 31 triệu m2 đất, xử lý gần 133.000 vật liệu nổ, với gần 230.000 người trực tiếp được hưởng lợi từ hoạt động rà phá bom mìn.
Chị Hoàng Thị Mai Chi, Quản lý liên lạc cộng đồng MAG Việt Nam cho biết: “Bên cạnh hoạt động rà phá bom mìn, MAG còn tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức liên quan đến bom, mìn, giúp người dân tránh những rủi ro do bom mìn gây ra”. Theo báo cáo của MAG, đến tháng 3-2021, MAG đã tổ chức được 947 khóa giáo dục về bom mìn cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với gần 17.000 người hưởng lợi từ hoạt động này.
Mang lại cuộc sống bình yên cho người dân
Với gần 230.000 người được hưởng lợi từ hoạt động rà phá bom mìn của MAG, giờ đây, những mảnh đất “chết” đầy bom, đạn đang được hồi sinh trên quê hương Quảng Bình. Người dân an tâm sinh sống, sản xuất; trẻ em vô tư nô đùa; nhiều công trình, tuyến đường được xây dựng an toàn, đưa vào hoạt động. Những rừng keo, tràm, thông… tràn đầy nhựa sống đã phủ xanh những hố bom xưa…
Đến thăm rừng keo, tràm, thông của gia đình ông Dương Trung Vững (thôn Hòa Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch), chúng tôi cảm nhận được điều đó. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vững cho biết, trong chiến tranh, Cự Nẫm là một trong những tâm điểm đánh phá ác liệt của giặc, hứng chịu nhiều bom, đạn. Do đó, mặc dù diện tích đất sản xuất nhiều nhưng gia đình ông cũng như các hộ dân tại đây chỉ dám trồng mía và những cây bụi thấp trên mặt đất. Khi nhà máy đường trên địa bàn huyện ngừng hoạt động, việc bán mía khó khăn, họ đã bỏ trồng mía và để đất hoang.
Mảnh đất cằn sỏi, bom, đạn trước đây đã được ông Dương Trung Vững (thôn Hòa Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch) thay thế bởi vườn keo tràm xanh tốt. |
“Bản thân tôi là lính công binh, trước đây, khi phát hiện ra bom, đạn ở trong thôn, tôi cũng đã tham gia xử lý, phá bỏ, tuy nhiên phương tiện không có, số lượng bom, mìn lại quá nhiều, nguy hiểm nên việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở con số rất ít. Từ khi MAG về triển khai các hoạt động rà phá và giáo dục phòng tránh bom mìn tại địa phương, tỷ lệ đất bị ô nhiễm do bom, mìn giảm dần.
Người dân chúng tôi có cuộc sống an toàn, bình yên hơn (trước đây, trong thôn đã có 4 người bị thương vong do bom mìn) và có thêm đất canh tác, nâng cao thu nhập. Riêng gia đình tôi, nhờ diện tích đất sản xuất được hồi sinh, sau khi trồng và bán lứa keo, tràm, thông đầu tiên, thu nhập vài trăm triệu đồng, tôi đã trồng lại lứa keo, tràm mới được hơn 1 năm tuổi.”, ông Vững chia sẻ. Cũng như gia đình ông Vững, khoảng 60% hộ gia đình tại thôn Hòa Sơn đã có thêm thu nhập từ việc trồng tràm trên diện tích đất từng bị bỏ hoang bởi bom, mìn.
Với mong muốn mang lại cuộc sống bình yên, không còn bom đạn, đau thương trên mảnh đất Quảng Bình, MAG đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục và tiến hành rà soát, xử lý lượng bom, mìn được phát hiện tại đây. Là một trong những người được hưởng lợi từ hoạt động của MAG, chị Võ Thị Mai (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Trong quá trình xây nhà mới, gia đình tôi phát hiện một quả bom lớn dưới lòng đất. Lúc đó, chúng tôi thực sự lo lắng. Tuy nhiên, được MAG nhiệt tình hỗ trợ xử lý, việc xây nhà của chúng tôi đã diễn ra thuận lợi và an toàn”.
Dẫu chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng những hậu quả nó để lại đến nay vẫn còn rất nặng nề. Một trong những hậu quả đó là sự ô nhiễm đất đai, nguy hiểm cho tính mạng người dân từ bom, mìn còn sót lại. Sự chung tay của MAG trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh đã giúp mang lại cuộc sống bình yên và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho người dân địa phương.
Anh Nguyễn Thanh Hà, Quản lý hoạt động của MAG tại Quảng Bình cho biết: “Nhờ hoạt động của MAG, hàng trăm nghìn người dân đã thoát khỏi nỗi sợ hãi về hiểm họa bom, mìn, nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng an toàn, người dân tại khu vực nông thôn có thêm đất an toàn để sản xuất, cải thiện đời sống và tai nạn liên quan đến bom mìn được giảm thiểu. Với mong muốn rà sạch bom mìn trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, MAG hy vọng sẽ tiếp tục nhận được các nguồn tài trợ và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương để duy trì, mở rộng hoạt động tại tỉnh”.
MAG là tổ chức nhân đạo toàn cầu hoạt động rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại tại các khu vực đã và đang xảy ra chiến tranh vì lợi ích của cộng đồng trên toàn thế giới. Được thành lập tại Vương quốc Anh năm 1989, hoạt động của MAG đã đem lại an toàn và cơ hội xây dựng lại cuộc sống, sinh kế và tương lai cho hơn 19 triệu người tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thuộc 68 quốc gia trên thế giới. |
Hành trình tìm lại đam mê tuổi trẻ của NAG Lân “Xe Lăn”cùng Ford Ranger Raptor Dòng xe Ford Ranger Raptor vốn được biết đến với khả năng vận hành vượt trội, thách thức mọi giới hạn, đồng thời phản ánh phong cách sống “chất” như Ranger. Và trong hành trình khám phá vùng núi cao Đông Bắc từ Hà Giang đến Cao Bằng, mẫu xe này đã trở thành biểu tượng cho bản lĩnh “Kiên cường vượt khó” của Nhiếp ảnh gia (NAG) Lân Trần và cùng anh đánh thức đam mê tuổi trẻ vốn đã ngủ say nhiều năm nay. |
Phải nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại hạnh phúc, ấm no và sự phồn vinh bền vững Với sự thành công của Đại hội XIII, đất nước ta bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và toàn dân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân, sự phồn vinh bền vững của đất nước. |