Lý do thực sự khiến Pakistan cân nhắc khả năng cho Mỹ mở căn cứ quân sự
Trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành rút quân khỏi Afghanistan, có nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ và Pakistan sẽ hướng tới cải thiện quan hệ quân sự và điều này có thể khiến cả Nga và Trung Quốc phải chú ý.
Đặc công Pakistan đu dây từ trực thăng quân sự trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Aamir Qureshi |
Lầu Năm Góc đã tuyên bố ý định tìm kiếm các căn cứ quân sự trong khu vực để giám sát và ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành “trung tâm” của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ. Các căn cứ trong khu vực cũng có thể cho phép Mỹ tạo hàng rào chiến lược ngăn Nga và Trung Quốc lấp chỗ trống ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Dù Mỹ vẫn chưa xác nhận về việc tìm được căn cứ mới nào ở Trung Á, nhưng Pakistan nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Mỹ từng sử dụng căn cứ quân sự tại Pakistan trong “cuộc chiến chống khủng bố” kéo dài 20 năm ở Afghanistan.
Tuy nhiên, bất cứ động thái nào như vậy sẽ gây tranh cãi và Pakistan cần phải có cách lý giải phù hợp trước dư luận trong nước.
Văn phòng Đối ngoại Pakistan đã công khai bác bỏ có bất cứ “thỏa thuận mới nào” với phía Mỹ về việc sử dụng căn cứ quân sự.
Trước đó, Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi ngày 11/5 phát biểu với truyền thông tại Islamabad rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép nước ngoài đặt gót giày lên đất của chúng ta hay mở căn cứ trên lãnh thổ của chúng ta”.
Mặt khác, Pakistan xác nhận, các khuôn khổ thiết yếu cho việc hỗ trợ trên không và trên bộ đối với các lực lượng Mỹ ký từ năm 2001 vẫn còn hiệu lực.
Việc kích hoạt lại những khuôn khổ đó sẽ đưa Pakistan trở lại quỹ đạo của Mỹ, mở ra những hoạt động viện trợ tài chính và lợi ích chiến lược mới.
Trong “cuộc chiến chống khủng bố”, các đường dây liên lạc trên không (ALOC) và trên bộ (GLOC) cho phép hai nước trao đổi sâu rộng về các vấn đề quân sự.
Bên cạnh đó, trong cuộc gặp gần đây giữa Cố vấn an ninh quốc gia 2 nước ở Geneva, cả 2 bên đã nhất trí “thúc đẩy hợp tác trên thực tiễn”.
Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Moeed Yusuf không chỉ quen thuộc với Mỹ khi ông là Phó Chủ tịch Viện hòa bình phụ trách châu Á - một tổ chức được chính phủ Mỹ hỗ trợ ở Washington DC, mà lâu nay ông còn luôn ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo giới phân tích, việc ông Yusuf trở thành Cố vấn an ninh quốc gia mới của Thủ tướng Khan ngày 18/5 vừa qua cho thấy mức độ nghiêm túc của Pakistan trong việc theo đuổi mối quan hệ mới với Mỹ.