Lưu học sinh Lào say hương vải Việt
Từ sáng sớm 16/6, chiếc xe 45 chỗ chở các em lưu học sinh Lào, thầy cô giáo Trường Hữu nghị 80 cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, đại diện Ban Á - Phi (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) thẳng tiến tỉnh Bắc Giang. Vượt qua hơn 100 km, xe đưa các em đến "thủ phủ" vải thiều của miền Bắc Việt Nam - huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào mùa vải chín.
Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang, đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bắc Giang đưa các em đến thăm vườn vải rộng 16ha của anh Chu Văn Định (thôn Phúc Thành, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn). Tại đây, các em nghe anh Định giới thiệu về quy trình sản xuất vải chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang các nước EU, sau đó đi thăm vườn vải của gia đình anh.
Các lưu học sinh Lào hào hứng khám phá vườn vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang (Ảnh: Thành Luân). |
Giữa cái nắng oi ả của trưa hè tháng 6, các em lưu học sinh ào ra vườn, háo hức ngắm nhìn màu vải đỏ rực, chụp ảnh "check in" và thưởng thức trái vải được hái ngay tại vườn.
Chanh Sybounheuang (21 tuổi, lớp A6) đưa tay đỡ chùm quả lúc lỉu, rồi bứt một quả, nhanh tay lột vỏ ăn thử. "Cùi vải trắng ngần, căng mỏng hiện ra sau lớp vỏ. Hương vải chín thơm dịu quẩn quanh chóp mũi còn vị ngọt đậm của quả ngay lập tức ùa vào khoang miệng", em nói. Chanh Sybounheuang kể em chưa từng thấy ở đâu vải nhiều như nơi này. Ngoảnh đầu sang trái, sang phải, phía trước, phía sau đều chạm vào những chùm vải chín mọng đỏ trĩu nặng trên cây.
Chanh Sybounheuang "check in" bên những trái vải chín đỏ (Ảnh: Thành Luân). |
Ở bên cạnh, Palay Yang (21 tuổi, lớp A6) nói: Vải ở đây ngon ngọt, dày cùi và không bị sâu đầu như loại vải các em vẫn mua 15.000 đồng/kg dọc đường gần ký túc xá. Lào cũng trồng vải nhưng không nhiều, quả nhỏ và không thơm ngọt như vải ở đây. Vào mùa, giá vải tại Lào ở mức 40.000 đồng/kg, trong khi ở đây giá nhà vườn bán cho công ty để xuất khẩu sang Pháp chỉ có giá 30.000 đồng/kg. Bởi vải Việt Nam rất ngon nên trong phòng Palay và các bạn hầu như lúc nào cũng có vải.
"Biết là ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người nhưng em vẫn muốn tranh thủ vì mùa vải rất ngắn", Palay nói.
Khamphahat Souvongxai (tên Việt là Vũ Văn Hải, 21 tuổi, lớp A12) cho biết, trước khi đến Bắc Giang, em đã tìm hiểu trên mạng và được biết đây vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới... Sau khi thử vải tươi tại vườn, Hải muốn hái một chùm nhỏ mang lên xe nhưng vì xấu hổ nên lại thôi.
Rời vườn vải Lục Ngạn, các lưu học sinh Lào tiếp tục đến chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Tại đây, các em thành kính lễ bái Phật và chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về "danh lam cổ tự" của tỉnh Bắc Giang.
Hải cho biết, bố em là người Nghệ An, sang Lào làm ăn sinh sống và cưới mẹ em - một phụ nữ Lào. Hải thường nghe bố kể về tuổi thơ ở Nghệ An, về những danh lam thắng cảnh của quê nội và được bố nấu cho các món ăn quê hương như súp lươn, bánh mướt, bánh canh, nhút... Song đây là lần đầu em được đến một ngôi chùa cổ của Việt Nam. Khác với chùa Lào màu sắc rực rỡ, đa dạng, chùa Vĩnh Nghiêm được bào trơn đóng bén đơn giản nhưng kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính là: tam quan, tam bảo, nhà tổ đệ nhất, gác chuông và nhà tổ đệ nhị. Hải rất ấn tượng với chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn ở chùa.
Các lưu học sinh Lào chụp ảnh lưu niệm với trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, lãnh đạo Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang... (Ảnh: Thành Luân). |
Theo cô Vũ Thu Hằng, giáo viên phụ trách lưu học sinh Lào trong chuyến đi, trong quá trình học tiếng Việt ở trường Hữu nghị 80, ngoài các tiết học trên lớp, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em theo chủ đề bài học như mua bán, y tế, dịch vụ, thể thao... Các em được đi thăm các địa điểm ở thị xã Sơn Tây như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, chùa Khai Nguyên... để tìm hiểu văn hóa của người Việt, giao tiếp với người bản xứ, từ đó nâng cao kỹ năng nghe, nói tiếng Việt.
Trước chuyến thăm Bắc Giang, trường đã tổ chức cho các em tham quan lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vịnh Hạ Long... "Đây là cơ hội để hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, giúp các em thêm yêu Việt Nam, có nhiều kỷ niệm trong thời gian học tập tại trường", cô Hằng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang cho biết, việc phối hợp với Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức cho các lưu học sinh Lào, Campuchia thăm Bắc Giang được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang thực hiện từ năm 2019 nhằm hưởng ứng phong trào "Ươm mầm hữu nghị". Các lưu học sinh được thăm các mô hình sản xuất kinh doanh công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch tiêu biểu của Bắc Giang. Hiện nay, Bắc Giang đã kết nghĩa với tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) và huyện Lục Ngạn cũng kết nghĩa với huyện A nụ vông của tỉnh Xay Sổm Bun. Dự kiến tháng 7/2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh sang thăm và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội hữu nghị Lào - Việt Nam của tỉnh Xay Sổm Bun. |