Người cha Việt Nam của các lưu học sinh Lào
Bounpheng Lathamsathith là người con nuôi đầu tiên, có nhiều thời gian gắn bó nhất với Đại tá Nguyễn Đức Hạnh.
Bounpheng Lathamsathith có hoàn cảnh éo le. Khi còn làm Trưởng ban liên lạc sinh viên Lào khóa trước đây ở trường Đại học Y Dược Thái Bình, Bounpheng suy sụp khi hay tin bố bị tai nạn mất, mẹ thì tuổi đã cao. Thời điểm ấy, chính Đại tá Nguyễn Đức Hạnh và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình đã ở bên Bounpheng, động viên, hỗ trợ em tiếp tục học tập.
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh (áo trắng, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình con nuôi Bounpheng trong ngày Bounpheng nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: Đức Hạnh). |
Nghe lời cha nuôi, Bounpheng phấn đấu học tốt, đạt kết quả cao. Ngày Bounpheng nhận bằng tốt nghiệp, gia đình Bounpheng sang Thái Bình dự lễ tốt nghiệp và đón em về nước. Ông Hạnh cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình lại giúp gia đình em chỗ ăn ở, đón tiếp như những người khách quý. Thời khắc đứng chụp ảnh cùng Bounpheng và gia đình em trong lễ tốt nghiệp là những cảm xúc không thể nào quên với ông.
Về nước, Bounpheng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Viêng Chăn. Hàng tuần, Bounpheng đều gọi điện hỏi thăm sức khỏe gia đình bố Hạnh. Khi dịch COVID-19 ở Viêng Chăn căng thẳng, Bounpheng “trực chiến” thường xuyên tại bệnh viện. Lâu không thấy con, ông Hạnh lại sốt ruột. Biết tình hình dịch dã căng thẳng ông thường xuyên nhắn tin thăm hỏi, động viên dặn dò Bounpheng chịu khó ăn uống, giữ gìn sức khỏe.
Ngoài Bounpheng Lathamsathith, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh còn nhận 5 lưu học sinh Lào làm con nuôi. Các lưu học sinh Lào khác ở trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng quen gọi Đại tá Nguyễn Đức Hạnh là "bố". Từ khi thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình, thực hiện chương trình "homestay", các hội viên của Hội nhận đỡ đầu hàng trăm lưu học sinh, đưa các em về nhà ở mỗi dịp cuối tuần, hè, lễ tết để các em làm quen với phong tục, tập quán của Việt Nam.
Thời gian đầu, khi các con nuôi mới sang Việt Nam học tập, tiếng Việt chưa thạo, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Vì vậy, điện thoại ông Hạnh thường xuyên nhận được những tin nhắn như: "Bố ơi, con đi sai làn đường", “Bố ơi, con bị quá hạn giấy tờ”... Mỗi lần như vậy, ông Hạnh lại lật đật đi giải quyết giùm con dù có những việc vượt quá khả năng của ông, chỉ có thể đề xuất quan tâm, giúp đỡ.
Những dịp các con nuôi về nhà quây quần, sum họp, ông lại đưa tiền cho các con tự đi chợ, nấu cơm, tự làm đặc sản quê hương Lào trong mâm cơm gia đình như món lạp, canh măng, nộm đu đủ... Vừa vui vẻ cùng con chuẩn bị các món ăn ông vừa động viên các con cố gắng học tập.
“Việc học vẫn phải ưu tiên trên hết. Còn tình cảm, chúng ta là người một nhà, vào thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm”, ông Hạnh nói với các con nuôi của mình.
Ông Hạnh vẫn nhớ trường hợp cậu sinh viên Sanout Sodarluck (Đại học Y Dược Thái Bình) bị tai biến mạch máu não, may mắn được cấp cứu kịp thời. Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Bình đã vận động được hàng chục triệu đồng giúp người nhà Sanout Sodarluck sang Thái Bình. Đến bệnh viện, ông bà, bố mẹ Sanout không biết tiếng Việt, thậm chí đói không biết hỏi thế nào để mua bánh mỳ. Trước khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp hay việc đi lại, chăm sóc Sanout, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Bình phối hợp với nhà trường và Ban liên lạc sinh viên Lào để cùng gia đình chăm sóc, nhờ đó Sanout đã sớm bình phục. 6 tháng sau, ông Hạnh lại hỗ trợ đưa Sanout ra sân bay trở về Lào. Xúc động trước tình cảm của ông Hạnh, Sanout vẫn thường gọi điện hỏi thăm gia đình ông.
Với Đại tá Nguyễn Đức Hạnh chuyện nhận con nuôi, đỡ đầu hay phối hợp cùng trường Đại học Y Dược Thái Bình chăm sóc các cháu sinh viên Lào là chuyện đương nhiên. Việc làm ấy xuất phát từ tình cảm của ông đối với nước bạn Lào - nơi ông vẫn coi là quê hương thứ hai của mình, đồng thời cũng là để báo đáp ân tình của những người dân Lào đã nuôi dưỡng ông suốt những năm tháng ông nằm vùng trong lòng địch để xây dựng cơ sở cách mạng.