Liều vắc-xin cho những công dân trẻ thời đại số là gì?
Thế giới ảo, hệ lụy thực
Kể từ khi chính thức hòa mạng máy tính kết nối toàn cầu năm 1997, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng với 64 triệu người sử dụng Internet tính đến tháng 6/2017, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở Châu Á.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bên cạnh những mặt tích cực mà Internet mang lại, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng, như nguy cơ bị xâm hại và bóc lột tình dục. Trẻ em có thể trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội, phải tiếp xúc với nội dung độc hại như: Kích động bạo lực, hành vi tự tử, bị lăng mạ trên các diễn đàn, hoặc nghiện game, nghiện mạng xã hội.
“Nếu như trước đây, khái niệm an toàn cho trẻ được giới hạn là sau cánh cửa nhà hay cổng trường, thì hiện tại, định nghĩa đó đã và đang thay đổi, khi những hiểm họa đó có thể tiếp cận các em thông qua môi trường trực tuyến, chỉ qua một cú click chuột hay nhấn phím”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững nhận định.
Theo một khảo sát của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tiến hành năm 2014, hơn 36% trẻ em có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực, 29% trẻ em phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm hoặc bị dụ dỗ tình dục qua mạng.
Vấn nạn này có thể xảy ra trong nhiều trường hợp, như do các em vô tình click vào đường link có hại trong các cửa sổ chat, trang web game, hoặc gặp phải đối tượng xấu có ý đồ lợi dụng, hay thậm chí do sự vô ý của phụ huynh khi chia sẻ những thông tin, hình ảnh riêng của con em trên mạng xã hội.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng Internet của thanh thiếu niên hầu hết là do tự mày mò, tìm hiểu hoặc học từ bạn bè, rất ít em nhận được sự hướng dẫn từ cha mẹ. Chương trình Tin học trong nhà trường cũng không có các nội dung giáo dục sử dụng mạng Internet một cách an toàn.
Người dùng nhỏ tuổi đối diện với nguy cơ cao trở thành "con mồi" của tội phạm mạng. Ảnh minh họa.
Cộng thêm đặc điểm của trẻ em là tính hiếu kỳ, thiếu kĩ năng xử lý, phòng vệ, nên khi những sự cố không mong muốn xảy ra, hậu quả thường rất nghiêm trọng.
Theo PGS.TS.Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện 103, môi trường mạng là ảo nhưng những ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống là thực, bao gồm việc ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, giảm sút thời gian cho việc học tập và các hoạt động cần thiết khác.
“Tường lửa” và vắc-xin phòng vệ cho những công dân số
Ý thức được những tác dụng phụ nhiều mặt của sự phát triển công nghệ thông tin, tại Việt Nam, một mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em đã được xây dựng, kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy nỗ lực của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở cả ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Hiện tại, Việt Nam là một trong 50 quốc gia ký tuyên bố hành động tại Hội nghị thượng đỉnh # WePROTECT về bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Tại Việt Nam đã có khung pháp luật và chính sách thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền trẻ em như chống văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em trong Công ước Quyền trẻ em; quyền được bảo mật thông tin cá nhân trong Luật tiếp cận thông tin (2016). Điều 29 trong Luật an ninh mạng (2018) cũng nhấn mạnh phạm trù bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH, trách nhiệm bảo vệ trẻ em không phải của riêng ai, của riêng cơ quan, tổ chức nào mà cần sự phối hợp, hợp tác, chung tay của tất cả các bên để trẻ em có thể được hưởng quyền được tiếp cận thông tin và có sự phát triển toàn diện trong thời đại công nghệ số.
Hiện tại, việc đảm bảo xây dựng môi trường mạng an toàn cho trẻ em ở Việt Nam đã và đang ghi nhận sự phối hợp tích cực của nhiều lực lượng xã hội.
Ngày 12/7, Microsoft Việt Nam, ChildFund Việt Nam và Cục Trẻ em đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng phần mềm bảo vệ trẻ em.
Theo đó, trong thời gian 25 tháng tính từ tháng 7 năm 2018, Microsoft Việt Nam sẽ tài trợ 5,4 tỉ đồng cho các hoạt động nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo các trường hợp nghi vấn xâm hại trẻ em và như phát triển các ứng dụng, giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
Đại diện ChildFund Việt Nam, Microsoft và Cục Trẻ em tại lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng phần mềm bảo vệ trẻ em. Ảnh Phi Yến
“Với dự án này, Microsoft mong muốn công nghệ được ứng dụng sáng tạo trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thông qua phần mềm chạy trên cả trình duyệt web và điện thoại thông minh, các cộng tác viên, phụ huynh, trẻ em có thể báo cáo các trường hợp bị xâm hại cả trong đời thực lẫn môi trường mạng. Đặc biệt, phần mềm được kết nối với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Chúng tôi hi vọng rằng, nếu thử nghiệm này thành công, phần mềm sẽ được đưa vào sử dụng chính thức như một ứng dụng của tổng đài” bà Lê Thị Hồng Nhi, Trưởng phòng quan hệ cộng đồng công ty Microsoft Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, dự án được ký kết "là một minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những thách thức trong xã hội và không ngừng cải thiện điều kiện sống của con người, đặc biệt là trẻ em, từ đó thúc đẩy sự phát triển công bằng."
"Em tin tưởng rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ giúp chúng em rất nhiều..." (Ngô Hoàng Thùy Linh). Ảnh Phi Yến
Được chứng kiến lễ ký kết, em Ngô Hoàng Thùy Linh, học sinh lớp 11, trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) vui mừng chia sẻ “Em tin tưởng rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ giúp chúng em rất nhiều để trưởng thành, phát triển toàn diện thành các công dân số thông minh, biết tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại và tự bảo vệ mình, hoặc biết tìm kiếm sự trợ giúp từ mạng lưới quốc gia khi cần thiết."
Các ứng dụng kể trên bước đầu sẽ được triển khai sử dụng trong khuôn khổ hoạt động hai dự án “VN03-024 – Tăng cường hiệu quả hệ thống các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương” và “VN03-033- An toàn trên mạng – nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng mạng an toàn” do ChildFund hỗ trợ thực hiện tại Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn. Đây là hai dự án với mục tiêu đảm bảo sự chủ động của người sử dụng mạng, nhất là các“công dân số” nhỏ tuổi có thể chủ động bảo vệ bản thân mình trong thời đại bùng nổ thông tin.
“Một trong những trọng tâm của ChildFund trong thời gian tới là hỗ trợ chính phủ và chính quyền cấp cơ sở xây dựng và kiện toàn hệ thống thực hành dịch vụ bảo vệ trẻ em hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng với sự hỗ trợ của Microsoft, ChildFund Việt Nam sẽ có thể triển khai các ứng dụng quản trị dữ liệu, giáo dục nâng cao nhận thức có tính thực tiễn cao và áp dụng thành công trong bối cảnh ở Việt Nam” giám đốc ChildFund Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Liên cho biết.
Phi Yến