Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (phần 4)
Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (phần 3) |
Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp Hữu nghị (phần 2) |
Sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam từ Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị-xã hội độc lập, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của công tác Đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Năm 1994, Chính phủ có quyết định đổi tên Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước thành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị).
Từ sau 1993 đến nay Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức 6 kỳ Đại hội, phát triển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Tại thời điểm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ I, Liên hiệp có 57 tổ chức thành viên, hiện nay có 116 tổ chức thành viên (64 các tổ chức hữu nghị song phương / đa phương , 52 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh/thành phố).
Các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hữu nghị (Ảnh: Sách Ảnh Liên hiệp hữu nghị) |
Quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Chính phủ theo chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Liên hiệp Hữu nghị đã kế thừa và phát huy tốt thế mạnh của đối ngoại nhân dân, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước triển khai chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ và nâng cấp quan hệ với các nước thiết lập mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị
Trong các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên không ngừng củng cố, mở rộng các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy phát triển ổn định, đi vào chiều sâu; đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1000 tổ chức quốc gia, khu vực, quốc tế. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã bám sát định hướng độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, tập trung vào các nước láng giềng và các nước ASEAN, các nước quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống; kết hợp các hoạt động giao lưu nhân dân và hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Gặp gỡ bạn bè Quốc tế nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước |
Hàng năm, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương đã triển khai hàng nghìn hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị có ý nghĩa thiết thực giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: các cuộc gặp gỡ hữu nghị nhân dân cấp quốc gia và địa phương, các diễn đàn hợp tác nhân dân, các hoạt động tuyên truyền, thi tìm hiểu về truyền thống quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước; gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị, giao lưu, triển lãm nhân dịp các ngày lễ lớn hoặc bên lề các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao…
Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 10, tháng 08/2019 (Ảnh: TV) |
Đối ngoại nhân dân đã phát huy tốt vai trò, vị thế tại các diễn đàn nhân dân quốc tế…được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Liên hiệp Hữu nghị là lực lượng nòng cốt triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa có lý, có tình tại các cuộc tiếp xúc, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực, góp phần khẳng định chính nghĩa của Việt Nam, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban hòa bình Việt Nam được bầu là Phó chủ tịch Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) tổ chức tại Brasil năm 2016. Tại các cơ chế chính thức của Liên hợp quốc và ASEAN, Liên hiệp Hữu nghị và Quỹ Hòa bình & Phát triển Việt Nam đã đăng ký thành công và phát huy hiệu quả Quy chế tư vấn tại hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (UN ECOSOC) và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).
Liên hiệp Hữu nghị đã tham gia tích cực, hiệu quả Diễn đàn APF, Diễn đàn AEPF, các diễn đàn như Hội đồng Hòa bình Thế giới, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức AAPSO,... đã khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong việc đóng góp sáng kiến thúc đẩy hoà bình, đoàn kết hữu nghị ở khu vực và trên thế giới. Bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam củng cố hòa bình thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hội nhập và hợp tác phát triển...
Trước những diễn biến phức tạp và tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị đã quyên góp, ủng hộ tiền, trang thiết bị y tế với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng hỗ trợ đối tác và nhân dân các nước bị ảnh hưởng; qua đó tăng cường quan hệ với các đối tác, thể hiện truyền thống đùm bọc, sẻ chia của dân tộc Việt Nam và vai trò tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế. Liên hiệp Hữu nghị đã đạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI với sáng kiến "Hỗ trợ bạn bè quốc tế và quảng bá công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam".
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ác-mê-ni-a Nguyễn Văn Thuận trao quà viện trợ chống dịch Covid 19 cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ác-mê-ni-a tại Việt Nam Vahram Kazhoyan |
Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoại (PCPNN)
Với vai trò là Cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, đồng thời là Cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, Liên hiệp Hữu nghị triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và tham gia quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN, gắn mục tiêu vận động viện trợ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của các địa phương với đối ngoại và bảo đảm an ninh-chính trị. Đã triển khai đạt và vượt các mục tiêu của 2 Chương trình quốc gia về xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2006-2010 và 2013-2017.
Năm 1992, khi Liên hiệp Hữu nghị mới tách khỏi Ban Đối ngoại Trung ương, có 145 tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam với giá trị viện trợ 25 triệu USD. Đến nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.200 tổ chức PCPNN, trong đó trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị giải ngân viện trợ của các tổ chức PCPNN trong giai đoạn 2003-2019 đạt 4,83 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực cho các đối tác Việt Nam, v.v… Hàng nghìn chương trình, dự án, khoản viện trợ mỗi năm được triển khai trên 63 tỉnh/thành trong cả nước, góp phần thiết thực xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời người dân được đào tạo về kỹ thuật, kiến thức làm kinh tế; cán bộ địa phương, cán bộ dự án được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Hội nghị tổng kết và ghi nhận PCPNN (Ảnh: TV) |
Công tác Thông tin đối ngoại – nghiên cứu
Thông tin tuyên truyền là kênh chính trị đối ngoại quan trọng, quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thế giới tới Việt Nam. Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên thông qua các cuộc tiếp xúc, hội thảo, hội nghị, các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng… chủ động cập nhật tới bạn bè quốc tế về tình hình Việt Nam, về công cuộc đổi mới, chính sách đối ngoại của Việt Nam; thông tin chính xác về chủ quyền biển đảo, các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều nhân vật, tổ chức quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn, nhiều phóng viên, nhà báo và học giả quốc tế đã góp phần truyền tải các thông điệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam ra thế giới.
VUFO giành Giải nhì hạng mục Sáng kiến tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI với sáng kiến "Hỗ trợ bạn bè quốc tế và quảng bá công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam" (Ảnh: TV) |
Trang web vufo.org.vn, Tạp chí Thời Đại, các tạp chí, trang tin của Liên hiệp hữu nghị và các tổ chức thành viên là những kênh thông tin đối ngoại hiệu quả đã đăng tải hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, clip/năm, đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Tạp chí Thời đại phát hành 06 ấn phẩm điện tử bằng tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Lào và tiếng Khmer được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận. Liên hiệp Hữu nghị cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế tuyên truyền về thành tựu đổi mới và hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam; phát hành phim tài liệu, các ấn phẩm song ngữ, tổ chức triển lãm ảnh phục vụ các sự kiện lớn của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên.
Hội thảo Quốc tế cộng đồng ASEAN cơ hội và thách thức, đoàn kết và phát triển 10/2015 |
Công tác tham mưu, nghiên cứu luôn được Liên hiệp Hữu nghị quan tâm và chú trọng. Liên hiệp Hữu nghị đã thành lập Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân, Trung tâm nghiên cứu và Hợp tác quốc tế thuộc Hội Việt – Mỹ, cùng một số tổ chức thành viên, đặc biệt là Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, đã tổ chức nhiều hội thảo để chia sẻ thông tin, phục vụ công tác hoạch định chính sách và hoạt động đối ngoại nhân dân. Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại Nhân dân đã tổ chức các hội nghị chia sẻ, tập huấn, cung cấp thông tin tại một số tỉnh, thành phố.
Q.Hoa t.h
Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới Trong lịch sử và truyền thống Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn và hoàn cảnh nào, đối ngoại nhân dân luôn là một thành ... |
Đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân Hoạt động đối ngoại nhân dân (ĐNND) là vận động bạn bè các nước ủng hộ nhân dân Việt Nam trong xây dựng và bảo ... |
Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp Hữu nghị (phần 1) Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) |