Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (phần 3)
Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp Hữu nghị (phần 2) |
Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp Hữu nghị (phần 1) |
Sau chiến thắng 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình khu vực và quốc tế thời kỳ này diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Quan hệ Việt Nam và Campuchia xấu đi nhanh chóng sau những cuộc tấn công quân sự qua biên giới do chính quyền Pol Pot tiến hành. Tháng 01/1979, Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia giúp các lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, tháng 02/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận đối với Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á chưa có biến chuyển tích cực.
Với tình hình trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp tháng 9/1975 đã xác định nhiệm vụ công tác đối ngoại là: Tích cực tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ đất nước; phát huy tác dụng của Đảng ta và nước ta trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tăng cường đoàn kết với Lào và Campuchia, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau. Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Xây dựng quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước thế giới thứ 3 cùng các nước khác trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.
Tháng 8/1988, Bộ Chính trị khoá VI ra Nghị quyết số 13, đánh dấu việc đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Nghị quyết nêu rõ chủ trương góp phần giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ và mở rộng quan hệ với các nước Tây Bắc Âu và Nhật Bản, từng bước bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
Hoạt động đối ngoại nhân dân thời kỳ này tập trung theo định hướng của Đảng và nhà nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Đối tác của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam bước đầu được đa dạng hóa, nhưng chủ yếu vẫn thuộc các nước xã hội chủ nghĩa và đang phát triển.
Với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Việt Nam có quan hệ chặt chẽ. Các nước này tận tình giúp đỡ hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam. Hàng năm, có các hội nghị tư vấn các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và Quốc tế ngữ các nước xã hội chủ nghĩa để thống nhất chủ trương hoạt động và trao đổi kinh nghiệm.
Với Lào, sau thắng lợi của cách mạng Lào (1975), quan hệ Việt Nam – Lào về mặt nhà nước cũng như về mặt nhân dân rất gần gũi. Uỷ ban hoà bình Lào được thành lập (năm 2010 đổi tên thành Uỷ ban hoà bình, hữu nghị và hợp tác Lào). Tại nhiều hội nghị quốc tế về hòa bình và đoàn kết tổ chức tại Lào, Việt Nam đã tích cực phối hợp và giúp Lào về thông tin, kinh nghiệm tổ chức, và cả chuyên gia.
Với Campuchia, sau khi chính quyền Pol Pot bị đánh đổ (tháng 01/1979), với sự giúp đỡ của Việt Nam, các hoạt động hoà bình, đoàn kết của Campuchia đã được khôi phục, Uỷ ban hoà bình đoàn kết Campuchia được thành lập. Một số hội nghị quốc tế do Hội đồng Hòa bình Thế giới và Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi chủ trì đã được tổ chức ở Campuchia.
Với Trung Quốc, ngay cả trước khi quan hệ hai nước trở lại bình thường năm 1991, hàng năm Hội hữu nghị Việt – Trung vẫn tổ chức cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đi thăm mộ liệt sĩ Trung Quốc hy sinh ở Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ.
Với Mỹ và các nước phương Tây khác, ta vẫn duy trì tốt quan hệ với các tổ chức và phong trào hoà bình, đoàn kết, hữu nghị. Nhiều đoàn quan trọng do các tổ chức nhân dân và phi chính phủ Mỹ là khách của Hội Việt – Mỹ, các hoạt động giao lưu hữu nghị với Mỹ được triển khai, như việc tổ chức “Cuộc đi bộ hoà bình Việt-Mỹ” nhân kỷ niệm ngày 30/4 năm 1990, đối thoại về quan hệ Mỹ - Việt do Viện ASPEN (Mỹ) tổ chức tại Fi-ji (1990). Một số tổ chức phi chính phủ Mỹ bắt đầu vào thực hiện các dự án viện trợ nhỏ.
Đi bộ vì hoà bình Việt – Mỹ năm 1991 |
Đoàn Đại biểu nhân dân Việt Nam sang thăm Mỹ và vận động Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, năm 1991 |
Với Tây Âu, quan hệ với các tổ chức ở Cộng hòa Liên bang Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Italia vẫn tiếp tục. Hội Hữu nghị Cộng hòa Liên bang Đức – Việt Nam tổ chức nhiều đoàn du lịch chuyên đề và các hội thảo về tình hình và quan hệ Việt Nam với thế giới tại Duesseldorf (1985-1989) và Berlin (1990); Hội Pháp - Việt và Hội Việt - Pháp thoả thuận tổ chức du lịch chuyên đề, Uỷ ban giúp đỡ y tế của Anh, Uỷ ban đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia của Thuỵ Điển, các hội hữu nghị vùng của Italia tiếp tục quyên góp giúp Việt Nam dụng cụ y tế và các dự án nhỏ xoá đói giảm nghèo.
Thông qua các tổ chức hữu nghị đa phương như Hội Quốc tế ngữ Việt Nam, Uỷ ban hoà bình Việt Nam, Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á- Phi- Mỹ la tinh, Việt Nam tiếp tục đóng góp, tham gia tích cực các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc.
Đoàn Ủy ban hòa bình Việt Nam dự Hội nghị tư vấn các nước Xã Hội Chủ Nghĩa tại Na-khốt-ca (Liên xô cũ), tháng 10/1981 |
Đáp ứng mong muốn và với sự giúp đỡ của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO) tăng cường hoạt động ở châu Á, năm 1982 Uỷ ban đoàn kết Á - Phi của Việt Nam đảm nhận vai trò đầu mối của AAPSO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặt trụ sở Trung tâm thông tin liên lạc châu Á - Thái Bình Dương của AAPSO tại Hà Nội.
Trong giai đoạn 1975-1992, các tổ chức hữu nghị nhân dân của Việt Nam tiếp tục củng cố, phát triển về mặt tổ chức.
Từ năm 1976, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của hai miền Nam Bắc đều lần lượt hợp nhất, cùng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Quốc tế Nhân dân. Ban Quốc tế Nhân dân có hai nhiệm vụ: nghiên cứu và quản lý các hoạt động đối ngoại của các tổ chức nhân dân và nghiên cứu và trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị.
Ngày 26/01/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể Ban Quốc tế Nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ban Quốc tế Nhân dân được chuyển về Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Năm 1984, Đảng đoàn Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập (trực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), với nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tất cả các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Đồng chí Trịnh Ngọc Thái được cử làm Bí thư Đảng đoàn.
Tháng 5/1989, Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước đổi tên thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn.
Tháng 6/1989, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) được thành lập như một đơn vị trong Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Từ đó, Liên hiệp có thêm nhiệm vụ làm đầu mối vận động và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Q.Hoa (biên tập theo sách lịch sử Liên hiệp Hữu nghị)
Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung 45 triệu đồng Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cán bộ công nhân viên, người lao động Liên hiệp các Tổ chức ... |
25 năm quan hệ ngoại giao Việt- Mỹ: kết quả của lòng dũng cảm, thiện chí và nỗ lực của nhân dân Tối 7/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Lễ ... |
Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga Ngày 29/9/2020, tại TP Vĩnh Yên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh Vĩnh Phúc ... |