LHQ tìm kiếm thỏa thuận hòa bình mới cho Libya
Reuters cho biết: Đặc phái viên LHQ về Libya, ông Ghassan Salame, dự kiến công bố bản kế hoạch hành động mới bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ, tổ chức ở New York (Mỹ) ngày 20/9. Trong đó, bao gồm đề xuất sửa đổi thỏa thuận hòa bình đạt được năm 2015, nhưng đã bị đình trệ.
Theo thỏa thuận ký kết tháng 12/2015, Chính phủ theo Hiệp ước quốc gia (GNA) được LHQ hậu thuẫn phải được thành lập. Tuy nhiên, GNA chưa bao giờ được thành lập chính thức, khiến Libya rơi vào hỗn loạn trong bối cảnh leo thang xung đột giữa 3 chính phủ và các liên minh có vũ trang đối lập.
Bị cản trở bởi sự chia rẽ nội bộ giữa 9 thành viên Hội đồng Tổng thống (PC) - nhóm những nguời lãnh đạo, GNA đã không thể giải quyết khủng hoảng Libya như kỳ vọng. Hệ thống các dịch vụ công của đất nước gần như tê liệt, trong khi các nhóm vũ trang lại ngày càng phát triển mạnh.
Binh sĩ Libya tuần tra ở Sirte hôm 4/8. (Ảnh: Reuters)
Chính vì thế, Đặc phái viên Salame nhiều khả năng sẽ đề xuất giảm số thành viên của PC xuống còn 3 người, sau đó đề cử lên một chính phủ chuyển tiếp mới - các nguồn tin ngoại giao và giới phân tích nhận định.
Tuy nhiên, việc thực thi những thay đổi đối với thỏa thuận năm 2015 sẽ cần phải nhận được sự chấp thuận của chính quyền ở miền Đông Libya, vốn hầu như không ủng hộ thỏa thuận hòa bình.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ từng áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Agila Saleh - người đứng đầu chính phủ trên vì ông này đã trì hoãn tiến trình chính trị ở Libya.
Đặc phái viên LHQ về Libya, ông Ghassan Salame
Dự kiến, một phái đoàn của chính phủ miền Đông Libya sẽ sớm bắt đầu đàm phán với đại diện của chính phủ đối lập ở Thủ đô Tripoli (Libya). Thỏa thuận năm 2015 giữa 2 phe sẽ hết hạn vào ngày 17/12 tới.
Về việc tổ chức cuộc bầu cử mới ở Libya, Đặc phái viên Salame cũng phải cân bằng lợi ích giữa các phe phái đối lập với nhu cầu của người dân, đồng thời tìm kiếm một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Chuyên gia phân tích cấp cao Claudia Gazzini nhận định: "Vấn đề hiện nay là các phe phái này đã bị chia rẽ từ trong nội bộ. Thậm chí, việc lấy ý kiến đại diện (cho mỗi phe) còn khó khăn hơn".
Một cuộc bầu cử mới sẽ đòi hỏi luật bầu cử đi kèm và có thể là trưng cầu dân ý để thông qua một hiến pháp mới. Năm 2014, đề xuất bầu cử đã bị phản đối, làm leo thang xung đột và gây chia rẽ.
Hồng Anh