Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng chỉ đạt 47% kế hoạch
Lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Colab). |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng là 42.818 lao động (14.982 lao động nữ). Con số này chỉ đạt 47% kế hoạch năm 2021 và bằng 99,95% so với cùng kỳ năm 2020.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong 9 tháng với 19.350 lao động (6.486 lao động nữ), tiếp đến là Nhật Bản 19.051 lao động (8.235 lao động nữ), Trung Quốc 1.425 lao động, Hàn Quốc 702 lao động, Romania 609 lao động (81 lao động nữ), Singapore 454 lao động nam, Hungary 403 lao động và các thị trường khác.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng qua.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các quy định về tiếp nhận lao động tại các nước để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại.
Trong tháng 10, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa mới với số lượng chỉ tiêu là 240 người.
Sau khi sang Nhật Bản, những điều dưỡng, hộ lý có 2 tháng để hòa nhập môi trường sống cũng như công việc trước khi có thể tới các cơ sở tiếp nhận để làm việc tại Nhật Bản. Họ sẽ được hưởng mức lương vừa học vừa làm tương ứng, khoảng từ 35-39 triệu đồng/tháng. Khi các điều dưỡng, hộ lý đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản thì mức lương cao hơn nhiều.